Là người có khuôn mặt được miêu tả là rất xấu xí, xuất thân lại hèn kém, nhưng vô cùng nham hiểm, hoạn quan này đã từng bước trở thành một thế lực lớn trong triều. Không chỉ khống chế hoàng đế, ông ta còn nắm quyền điều hành cả bộ máy quân sự của nhà Đường – triều đại nổi tiếng hùng mạnh trong lịch sử Trung Quốc.
Hoạn quan Lý Phụ Quốc có ngoại hình xấu xí nhưng đầy tham vọng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Sinh ra dưới thời nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Lý Phụ Quốc (tên thật là Lý Tính Trung) đã phải chịu “tịnh thân”, trở thành nô tài do gia đình mắc tội với triều đình. Hàng ngày, cậu bé Lý Phụ Quốc phải dọn dẹp chuồng trại, hót phân và tắm rửa cho cả trăm con ngựa.
Công việc cực khổ, Lý Phụ Quốc còn thường xuyên phải chịu sự bắt nạt, chê bai từ những thái giám lớn tuổi hơn do ngoại hình xấu xí. Tuy nhiên, Lý Phụ Quốc không cam chịu thân phận thấp hèn. Ngay từ khi còn ít tuổi, ông ta đã nuôi mộng trở thành nhân vật nắm quyền lớn trong tay, theo Sohu.
Những lúc được nghỉ ngơi, Lý Phụ Quốc ra sức học thêm cách đọc, viết và cách quản lý, sắp đặt công việc trong cung. Ông ta luôn tỏ ra chăm chỉ, cần mẫn dù công việc vất vả, bẩn thỉu. Năm 40 tuổi, Lý Phụ Quốc được Cao Lực Sĩ – hoạn quan quyền lực dưới thời Đường Huyền Tông để mắt – cất nhắc trở thành hoạn quan quản lý sổ sách cung đình. Không lâu sau, Lý Phụ Quốc lại được điều sang hầu hạ thái tử Lý Hanh – người được chỉ định sau này sẽ lên ngôi hoàng đế.
Nếm mật nằm gai, Lý Phụ Quốc dần dần được tiếp cận hoàng tộc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Nhờ sự tận tụy và khéo léo sắp xếp công việc, Lý Phụ Quốc nhanh chóng được Lý Hanh tin tưởng, trở thành thân tín của thái tử.
Giai đoạn đầu khi Đường Huyền Tông nắm quyền, nhà Đường phát triển cực thịnh, quốc lực dồi dào. Nếu cảnh thái bình tiếp tục, Lý Phụ Quốc dù tài giỏi đến đâu, cùng lắm cũng chỉ có thể trở thành một đại hoạn quan như người thầy Cao Lực Sĩ của mình mà thôi. Tuy nhiên, thời thế đột ngột thay đổi chóng mặt đã cho Lý Phụ Quốc cơ hội chứng tỏ sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị.
Năm 775, An Lộc Sơn – một tướng người Đột Quyết – làm phản, gây ra loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Quân An Lộc Sơn người đông thế mạnh, đánh quân Đường thua chạy tan tác, chiếm cả Lạc Dương – nơi được xem là kinh đô thứ hai của nhà Đường. Đường Huyền Tông phải bỏ kinh thành Trường An, dẫn hoàng tộc trốn vào đất Thục. Mỹ nhân Dương Quý Phi nổi tiếng cũng bị bức chết trong sự kiện này, theo Đường sử.
Khi Huyền Tông sắp bỏ chạy, hương thân phụ lão khuyên ông ra sức trấn thủ Trường An, không nên để giặc chiếm được kinh thành. Đường Huyền Tông nhát gan, bèn căn dặn thái tử Lý Hanh ở lại vỗ về dân chúng.
Trong thời khắc vận nước nguy khốn, Lý Phụ Quốc đã khuyên thái tử đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt, đó là thuận theo ý dân, không bỏ chạy về Thành Đô mà ở lại củng cố lực lượng, chờ các cánh quân khác kéo về hộ giá, chống chọi với An Lộc Sơn. Lý Phụ Quốc cho rằng, nếu cả hoàng đế và thái tử cùng bỏ chạy, lòng dân nhất định tan vỡ. Khi đó An Lộc Sơn nuốt trọn cơ nghiệp nhà Đường chỉ là chuyện sớm muộn.
Dương Quý Phi phải tự tử trong biến loạn An Lộc Sơn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Lý Hanh nghe lời Lý Phụ Quốc dù khi đó số binh sĩ trong tay thái tử chỉ còn chưa đầy 2.000 người.
Năm 756, An Lộc Sơn chiếm được Trường An, Lý Phụ Quốc lại khuyên thái tử lên ngôi hoàng đế để thống nhất lòng người. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của Lý Phụ Quốc, tháng 8.756, Lý Hanh đăng cơ tại Linh Vũ, lấy hiệu là Đường Túc Tông bất chấp việc chưa có chiếu thư sắc phong của Đường Huyền Tông.
Thời điểm này, cuộc chiến với An Lộc Sơn vẫn còn rất gian nan. Nhận thấy công lao to lớn của Lý Phụ Quốc, Đường Túc Tông phong cho viên hoạn quan này chức Nguyên soái phủ hành quân tư mã, trực tiếp tham gia vào bộ máy chỉ huy quân sự.
Năm 757, nhờ sự trợ giúp đắc lực của 2 tướng tài là Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật, Đường Túc Tông chiếm lại Trường An, loạn An Sử nhanh chóng được dẹp yên. Đường Túc Tông cho đón Đường Huyền Tông trở về, tôn làm Thái Thượng hoàng.
Biến loạn An Lộc Sơn khiến nhà Đường nghiêng đổ (ảnh: Sohu)
Đường sử chép, nhờ có công lớn phò tá trong lúc nguy nan, Lý Phụ Quốc ngày càng được Đường Túc Tông tin tưởng, trọng dụng, quyền hành chỉ dưới một người trên vạn người.
Việc quốc gia đại sự phần lớn Đường Túc Tông đều giao cho hoạn quan họ Lý tự xét đoán. Không ít lần Lý Phụ Quốc còn giả lệnh hoàng đế để sai khiến quần thần. Quan lại trong triều gặp Lý Phụ Quốc, không ai dám ngẩng lên nhìn thẳng mặt, không dám gọi thẳng tên. Sự kính sợ này thông thường chỉ dành cho hoàng đế mà thôi.
Năm 759, quan đại thần là Lý Hiện bí mật thu thập những chứng cứ về sự tham lam, dối trá của Lý Phụ Quốc và tâu lên Đường Túc Tông. Túc Tông không nghe, còn nổi giận mắng Lý Hiện một trận. Lý Phụ Quốc sau đó buông vài lời gièm pha, Lý Hiện lập tức bị cách chức và lưu đày.
Sau vụ việc của Lý Hiện, Lý Phụ Quốc càng cho rằng cần tạo thêm vây cánh để củng cố thế lực cho mình. Ông ta liên kết với Trương Hoàng hậu – người rất được Túc Tông sủng ái – hòng kiểm soát thêm quyền lực triều đình.
Các đại thần muốn gặp hoàng đế, đều phải được Lý Phụ Quốc cho phép. Thánh chỉ của Túc Tông cũng phải được Lý Phụ Quốc kiểm duyệt trước khi ban hành. Hàng loạt quan lại không cùng phe nhóm bị Lý Phụ Quốc gièm pha, cách chức hoặc vu oan.
Lý Phụ Quốc có công lớn phò tá Đường Túc Tông lên ngôi trong cơn hoạn nạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm 761, Lý Phụ Quốc gây sức ép, buộc Túc Tông phong cho mình làm Thượng thư bộ Binh, trực tiếp nắm quyền thống lĩnh toàn bộ binh mã nhà Đường. Chưa thõa mãn tham vọng quyền lực, Lý Phụ Quốc còn muốn hoàng đế phong cho mình chức Tể tướng. Đường Túc Tông lo sợ hoạn quan họ Lý đã nắm binh quyền, giờ lại kiêm luôn chức Tể tướng thì không thể kiểm soát nổi nên nhất định không chấp nhận.
Năm 762, Lý Phụ Quốc tố cáo Tể tướng đương nhiệm là Tiêu Hoa chuyên quyền, đòi cách chức, Đường Túc Tông buộc phải nghe theo. Tuy nhiên, kể cả khi chức Tể tướng bị bỏ trống, ông vẫn nhất định không để Lý Phụ Quốc đạt được ý nguyện. Hoạn quan họ Lý tức giận, không làm gì được Túc Tông, ông ta chuyển mục tiêu công kích sang Thái Thượng hoàng Đường Huyền Tông.
Có lần thấy Huyền Tông sai thái giám Cao Lực Sĩ ban phát đồ ăn cho dân chúng và được tung hô, Lý Phụ Quốc tỏ ra ghen tức. Ông ta xin Túc Tông giam lỏng Thái Thượng hoàng để tránh họa về sau. Một lần nữa, Túc Tông lại không nghe theo.
Đường sử chép, năm 760, Đường Túc Tông bị ốm, Lý Phụ Quốc giả thánh chỉ, mời Huyền Tông đến bàn việc. Đường Huyền Tông vừa đến đã thấy Lý Phụ Quốc mặc giáp phục, điều mấy trăm binh sĩ vác thương, cầm kiếm ra đón. Huyền Tông thấy vậy kinh sợ, mắc bệnh trầm cảm, từ đó chỉ ăn chay, không dám ăn mặn.
Đường Túc Tông biết hoạn quan bức ép cả cha mình, vô cùng tức giận, muốn giết Lý Phụ Quốc ngay. Tuy nhiên, do họ Lý nắm hết binh quyền trong tay, hoàng đế phải bất lực. Quá uất ức vì nhiều lần bị Lý Phụ Quốc chèn ép, cả Đường Túc Tông và Đường Huyền Tông đều ốm nặng.
Năm 762, Trương Hoàng hậu biết Túc Tông sắp qua đời, bàn với Thái tử Lý Dự nên giết Lý Phụ Quốc, thu lại quyền lực. Thái tử không dám nghe lời, Trương Hoàng hậu tức giận bố trí 200 sát thủ, muốn giết Lý Dự để bắt chước Võ Tắc Thiên, tự lập làm nữ hoàng đế. Âm mưu của Trương Hoàng hậu không may bại lộ. Lý Phụ Quốc nhanh chóng kéo binh vào cung, thảm sát phe cánh của Trương Hoàng hậu. Đường Túc Tông chứng kiến biến loạn, chết ngay đêm hôm đó do quá khiếp sợ.
Lý Phụ Quốc sau đó hạ lệnh xử tử Trương Hoàng hậu, lập Lý Dự lên ngôi, lấy hiệu là Đường Đại Tông. Đại Tông cũng giống vua cha, bị Lý Phụ Quốc chèn ép đủ đường. Hoạn quan họ Lý thậm chí còn nói thẳng với với Đại Tông:
“Hoàng thượng chỉ nên hưởng lạc trong cấm cung, những việc còn lại cứ để lão nô xử quyết”.
Hoạn quan lộng quyền phải chịu cái chết đầy ám muội (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Đường Đại Tông trong lòng tức giận song không dám phản kháng, phải tôn Lý Phụ Quốc là Thượng phụ, kiêng không gọi thẳng tên. Lý Phụ Quốc thấy hoàng đế sợ mình, càng tỏ ra kiêu căng, tác oai tác quái. Tuy nhiên, hoạn quan họ Lý lại không nhận ra mối nguy lớn đang nhắm vào tính mạng.
Theo Tư trị thông giám, để lấy lòng Lý Phụ Quốc, Đường Đại Tông ban đầu phong cho ông ta chức Trung thư lệnh (tương đương với tể tướng). Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là chiêu bài để tước dần quyền lực quân sự của Lý Phụ Quốc.
Năm 762, Đường Đại Tông dựa vào sự ủng hộ của nhiều đại thần trung thành, tuyên bố cách chức Hành quân tư mã và Binh bộ thượng thư của Lý Phụ Quốc. Lo hoạn quan họ Lý làm loạn, Đại Tông còn ép ông ta ra ở phủ đệ bên ngoài hoàng thành. Liên lạc giữa Lý Phụ Quốc và các quan lại khác bị kiểm soát gắt gao.
Bất ngờ “trúng chiêu” của hoàng đế, Lý Phụ Quốc – lúc này đã là một ông già gần đất xa trời – không dám phản kháng. Ông ta dâng sớ xin từ chức Trung thư lệnh, lập tức được Đường Đại Tông chấp nhận. Nhưng để xoa dịu, Đại Tông lại phong cho Phụ Quốc danh hiệu Bác Lục vương.
Tháng 11.762, có thích khách đột nhập vào phủ Lý Phụ Quốc, chặt đầu viên hoạn quan này rồi trốn ra ngoài. Đường Đại Tông cho điều tra vụ án qua loa rồi đình chỉ.
Theo các chuyên gia lịch sử, người đứng sau chỉ đạo việc ám sát Lý Phụ Quốc không ai khác chính là Đại Tông. Vì Lý Phụ Quốc có công tiêu diệt Trương Hoàng hậu, phò tá mình lên ngôi nên Đại Tông không tiện công khai xử tử ông ta.
Cũng có giả thuyết khác cho rằng, Đại Tông ra lệnh ám sát Lý Phụ Quốc là để trả thù cho 2 vị hoàng đế tiền nhiệm nhưng không muốn kinh động đến thế lực hoạn quan trong triều.
Sau khi Lý Phụ Quốc chết, Đường Đại Tông ban cho ông ta thụy hiệu (tên sau khi qua đời) là Xú vương, tức là xấu xa, bẩn thỉu.