Từ sau ngày 31/12/2021, thẻ ATM công nghệ từ (thẻ từ ATM) sẽ không được chấp nhận sử dụng tại các cây ATM rút tiền, cũng như các điểm hay thiết bị thanh toán khác và chính thức bị "khai tử".
1. Bắt buộc phải đổi thẻ ATM sang thẻ chip
Tại khoản 2 Điều 27a Thông tư 19/2016/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu:
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa”.
Như vậy, từ ngày 31/12/2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, thay thế cho loại thẻ từ trước đây.
Cũng theo Thông tư 22, từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM mà chỉ phát hành dạng thẻ chip.
Điều đó có nghĩa là, từ ngày 31/3/2021, người dân đi làm thẻ ATM đã được cấp thẻ chip, còn thẻ từ đã được cấp trước đó và đang sử dụng đến nay, thì cần phải đi đổi sang thẻ chip trước ngày 31/12/2021.
2. Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ
Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.
3. Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu
Đây là nội dung mới đáng chú ý được ghi nhận tại Điều 3 Quyết định 32 của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 12/12.
Theo quy định mới, khi ngân hàng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền tại ngân hàng đó sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Trước đó, theo Quyết định 21 của Thủ tướng, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa chỉ có 75 triệu đồng.
Ngoài ra, Quyết định 32 cũng nêu rõ các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12/12/2021 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn áp dụng theo Quyết định 21/2017 là 75 triệu đồng.
4. Siết chặt quy định cá nhân vận động quyên góp từ thiện
Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ 11/12, thay thế Nghị định 64/2008. Văn bản mới quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.
Quy định này nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ các trường hợp, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh; cùng chính quyền khắc phục khó khăn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, khi vận động, người dân phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện; phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu nhà hảo tâm yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, cá nhân không được phép nhận thêm tiền ủng hộ (thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận khoản đóng góp tự nguyện).
Cá nhân làm từ thiện không buộc phải kiểm toán nhưng phải công khai trên phương tiện truyền thông về số tiền, hiện vật huy động được sau 15 ngày từ khi kết thúc tiếp nhận. Việc sử dụng ra sao, cho đối tượng nào phải công khai sau 30 ngày khi kết thúc phân phối. Nội dung này còn phải niêm yết 30 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú.
5. Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Đây là nội dung mới tại Nghị định 89 của Chính phủ, sửa đổi Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 10/12, quy định nhiều nội dung mới liên quan việc bồi dưỡng công chức, viên chức.
Theo đó, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
So với hiện hành tại Nghị định 101, nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ đã được bãi bỏ.
Nghị định 89 sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.
6. Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế
Nghị định 101/2021 sửa đổi Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ 31-12.
Điểm nổi bật của nghị định này là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể:
+ Kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng tính từ 1-1 đến 30-6 hoặc từ 1-7 đến 31-12 hằng năm.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ sáu tháng cuối năm.
Cùng với đó doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017.
+ Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ 1-1 đến 31-12 hằng năm.
7. 11 thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định 31/2021 của Thủ tướng, từ ngày 9/12 có 11 loại thông tin phải cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
11 loại thông tin gồm: Hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, nghĩa vụ tài chính; thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính...
Thủ tướng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đơn giản, thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện hơn các hình thức thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính công ích. Thời hạn và kết quả giải quyết dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật hoặc thủ tục hành chính đã được công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. An toàn, an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải được bảo đảm.
8. Công an xã được giao trách nhiệm tương đương công an phường
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/12, gồm 2 đổi mới quan trọng.
Thứ nhất, bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã. Tức là trách nhiệm của công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an.
Các lực lượng này có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thứ hai, bổ sung quy định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, và tạm định đình chỉ vì bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.