Sài Gòn giàu, Chợ Lớn cũng giàu. Ngày xưa còn phân định phong cách nhà giàu Sài Gòn khác biệt với nhà giàu Chợ Lớn. Nhưng sau một thời gian lâu dài hòa nhập giữa các cộng đồng cư dân xưa và nay, sự khác biệt đã không còn rõ rệt.
Nói về nhà giàu thuở trước, ở Sài Gòn truyền tụng câu nói "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định". Nhưng lại có những dị bản khác, theo đó nhất nhì ba giữ nguyên, chỉ có tứ là đổi với ba nhân vật khác "Tứ Hỏa", "Tứ Trạch", "Tứ Bưởi".
Nhà thờ Huyện Sỹ, công trình do phú hào Lê Phát Đạt hiến đất và góp tiền của xây dựng. Ảnh: Hoàng Ba Đình
Mổ xẻ câu đầu tiên "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định", đây là tứ đại phú hào của vùng Sài Gòn xưa. "Nhất Sỹ" có tên thật là Lê Phát Đạt, còn có tên gọi là Sỹ, về sau được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyện Sỹ.
"Nhì Phương" có tên thật là Đỗ Hữu Phương, do được Pháp phong Tổng đốc hàm nên còn gọi là Tổng đốc Phương.
"Tam Xường" có tên thật là Lý Tường Quan, còn có tên gọi là Xường, do tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường; "Tứ Định" có tên thật là Trần Hữu Định.
Điểm chung của các phú hộ này là đều nổi lên trong thời kỳ Pháp mới vào nước ta. Thực dân cũng phải làm ăn, cũng phải kiếm tiền chứ. Nên thành thử sau khi áp đặt được nền thống trị, Pháp bắt đầu kiếm mối làm ăn với một ít người bản xứ để sinh hoa lợi, củng cố bộ máy cai trị, mua sắm súng ống bảo vệ nền bảo hộ...
Những người này thức thời, nhanh chóng phất lên chủ yếu nhờ bất động sản và thu mua lúa gạo.
Còn các nhân vật thứ tư khác như Tứ Hóa, Tứ Trạch, Tứ Bưởi để bổ sung cho tùy hoàn cảnh khác nhau. Theo đó, 4 người ban đầu đại diện cho nhà giàu Sài Gòn, "Tứ Hỏa" là để đại diện cho cả Sài Gòn – Chợ Lớn.
"Tứ Trạch", tức Nguyễn Trinh Trạch (thân sinh công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy) đại diện cho nhà giàu Nam Kỳ. Còn "Tứ Bưởi", tức Bạch Thái Bưởi – người giàu nhất Hà Nội – nhằm đại diện chung cho cả xứ An Nam thuộc Pháp lúc bấy giờ.
Tượng thương gia Quách Đàm, người có công xây dựng chợ Bình Tây. Ảnh: Hoàng Ba Đình
Nói chung, cuộc sống của giới phú hộ ngày đó quá khác biệt với quảng đại quần chúng còn lại. Những công trình do họ xây dựng vẫn còn hiện diện ở mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Như "Nhất Sỹ" vẫn còn để lại Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1), Nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). Hoặc "Tứ Hỏa" vẫn còn nhiều căn nhà phố, biệt thự... ngay trung tâm Sài Gòn.
Sau giai đoạn đấy, đến tầm giữa thế kỷ 20, có một làn sóng người Bắc di cư vào Sài Gòn. Những người này giỏi làm ăn, vô cùng chịu khó, lại cực kỳ đùm bọc lẫn nhau nên một bộ phận cũng nhanh chóng trở thành cự phú.
Hỏi ra, toàn là dân Phố cổ, đã quen làm ăn với cung vua phủ chúa từ thời vua Lê chúa Trịnh. Căn cơ như thế, gốc gác như thế... có mau phất cũng chẳng lấy làm lạ.
Lúc đấy, dân Sài Gòn có dịp so sánh hai thành phần phú hào này.
Ông người Bắc nhà giàu, thì lúc nào quần áo cũng bảnh bao, lên xe xuống ngựa, sơ vin các kiểu... nhưng hỏi đến tiền thì bảo không có. Không có chẳng phải không có, chỉ vì ông thích bảo là không có, thế thôi.
Vào khu Chợ Lớn, gặp đại ông người Hoa ăn mặc tuềnh toàng, nhà cửa tối tăm, chạy xe cọc cạnh, hỏi đến tiền thì ông đáp "ngọ muốn bao nhiêu". Té ra ông Hoa kiều là đại xì thẩu mà cứ thích bình dân như vậy. Nhân đây cũng giải thích sơ, chữ "xì thẩu" phiên sang âm Hán – Việt tức là "đại gia" đấy.
Khách sạn Continenal, nơi lui tới thường xuyên của Công tử Bạc Liêu.
Có dịp được đi du lịch cùng một đại xì thẩu người Hoa ở Chợ Lớn mới thấy cái đẳng cấp của ông như thế nào. Tên họ ông chẳng tiện nêu ở đây, chỉ biết mọi người thường gọi ông là "chú Hòa".
Chú Hòa vốn xuất thân từ thu mua đồ nhựa, tay trắng làm nên, nay đã có đến mấy nhà máy sản xuất nhựa ở TP.HCM lẫn Bình Dương. Cứ hàng năm, chú Hòa đều cho nhân viên, công nhân trong toàn bộ các nhà máy của ông, khoảng 2 ngàn người, đi du lịch, ăn nghỉ toàn khách sạn từ 4 sao trở lên.
Những khu resort, vui chơi đẳng cấp như Vinpearl Land (Nha Trang, Khánh Hòa), The Grand Hồ Tràm (BRVT)... đơn vị ông cũng từng đến.
Vừa lên xe, toàn bộ tổ phục vụ đã được "tip" ngay tại chỗ mỗi người một triệu. Đoàn ăn uống ở đâu, chú Hòa cũng vào tận bếp bồi dưỡng cho nhân viên từ phục vụ cho đến bếp núc. Rải tiền như thế, nên đoàn đi chơi vô cùng thuận lợi, ai nấy phấn khởi nên đều phục vụ nhiệt tình.
Tiếng lành đồn nhanh, đoàn chưa đến mà từ nhà hàng đến khách sạn đều ngóng từ xa. Chú Hòa cười hề hề:"Họ vui họ mới phục vụ cho nhân viên của mình tốt. Nhân viên được phục vụ tốt thì họ mới vui. Họ vui họ về lại công ty làm việc tốt hơn". Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, câu nay đúng tuyệt đối cấm cãi.
Đời sống vật chất của chú Hòa tuy cao, nhưng vợ chồng con cái không hề ra vẻ. Cô con gái chỉ chạy chiếc xe máy Vision như bao người. Hôm cô con gái chạy Vision vào mấy khu đô thị cao cấp hỏi mua nhà, giới cò mồi ở đấy thấy điệu bộ bình thường quá nên không muốn tiếp.
Thực sự mà nói, giới đại gia xì thẩu ở đất này rất nhiều với đủ loại ngành nghề khác nhau. Những chuyện làm ăn của họ, người ngoài chẳng mấy khi biết.
Nhưng điều gì làm nên điểm khác biệt? Đó chính là không bao giờ làm những chuyện tào lao như đua xe ô tô trên đường phố như Cường "đô la" từng làm, hoặc mướn nguyên dàn xe kéo mỗi thứ chở một món hoặc đốt tiền lấy le với người đẹp như truyền thuyết về công tử Bạc Liêu.
Đối với họ, chỉ có những người "ở trển xuống", hoặc "ở dưới lên" mới phải thể hiện giàu có kiểu như vậy.