Những ngày qua câu chuyện nợ gốc 8,5 triệu thành khoản nợ 8,8 tỷ đồng từ thẻ tín dụng sau 11 năm khiến nhiều người bàng hoàng. Vậy nếu dùng thẻ tín dụng, người dân cần lưu ý những gì để tránh nợ ngập đầu?
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin một khách hàng nợ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm người này bị ngân hàng đòi cả gốc lẫn lãi lên đến... 8,8 tỉ đồng. Đây là câu chuyện khiến nhiều người tá hoả.
Mặc dù phía ngân hàng đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ. Đến náy, vụ việc vẫn gây xôn xao mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công văn thu hút sự quan tâm của mạng xã hội 2 hôm nay.
Trao đổi với phóng viên về câu chuyện này, một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ do không phải người trong cuộc và chưa đủ thông tin nên chị không rõ cách tính như thế nào, tuy nhiên, theo chị, mỗi ngân hàng có quy định riêng, có quy định mức lãi suất khác nhau, khoản phí khác nhau, mức phạt khác nhau. Để tránh những trường hợp hy hữu như câu chuyện vừa qua, chị chia sẻ 4 lưu ý người sử dụng thẻ tín dụng cần phải nhớ để tránh gặp rắc rối khi nợ phát sinh, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ.
Một là hãy trả hết nợ, không để dư nợ phát sinh dù chỉ một đồng
Chị cho biết khi bạn xài thẻ tín dụng sẽ có kì chốt sao kê. “Tới kì chốt sao kê, hãy trả hết nợ, đừng để dư nợ dù chỉ một đồng. Ví dụ bạn xài 10 triệu tới kì chốt sao kê 15 hàng tháng thì khoảng 25 ngày sau là thời hạn phải thanh toán. Tới thời hạn thanh toán, ví dụ chốt 10 triệu nợ tín dụng thì bạn hãy trả hết 10 triệu đó đi, đừng để lại dư nợ một đồng nào hết thì ngân hàng sẽ không tính lãi”- chị nói.
Người sử dụng thẻ tín dụng cần chú ý ngày trả nợ, phải trả hết và đúng hạn để không bị tính lãi
Vị này cho biết thanh toán dù thiếu một đồng cũng là nợ và khách hàng sẽ bị tính nguyên thời gian họ sử dụng vốn của ngân hàng chứ không phải trên số nợ khách còn thiếu.
Chị lấy ví dụ chốt sao kê 10 triệu và ngày khách cần thanh toán là ngày 5 tháng sau. Tới ngày đó, người này thanh toán 9 triệu thôi, trừ lại 1 triệu thì tiền lãi vẫn tính trên 10 triệu người này đã sử dụng chứ không phải chỉ tính trên 1 triệu còn nợ đó.
“Vì ngân hàng ứng vốn cho bạn sử dụng trước với điều kiện tới ngày đó bạn phải trả đầy đủ thì sẽ không tính lãi. Còn bạn trả cho dù thiếu 1 đồng thì vẫn sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền bạn đã sử dụng là 10 triệu”- chị giải thích.
Hai là hãy trả nợ đúng hạn
Tới ngày chốt lãi và ngân hàng thông báo hãy trả đúng hạn, đừng nợ dù chỉ một ngày. Vì nếu để quá hạn, đó là món nợ và sẽ bị tính tiền phạt nợ quá hạn. Tiền phạt thì tuỳ mỗi ngân hàng, có ngân hàng tính % trên số tiền, có ngân hàng tính mức cố định.
“Hãy thanh toán hết số tiền dư nợ đã dùng và đúng hạn thanh toán. Thanh toán xong, nếu tháng sau bạn tiếp tục có nhu cầu sử dụng thì lại tiếp tục cà thẻ”- chị đưa ra lời khuyên.
Ba là, trường hợp nếu không có nguồn tiền để trả hết nợ, gặp khó khăn về tài chính… hãy chuyển đổi qua trả góp theo từng chính sách của mỗi ngân hàng
Trường hợp này, người dân liên hệ với ngân hàng theo số tổng đài hoặc lên trực tiếp ngân hàng để được hướng dẫn chuyển đổi sang trả góp.
“Khi chuyển đổi trả góp bạn chỉ tốn mức phí trả góp thôi nhưng tiền lãi sẽ không phát sinh”- người này nói. Vì thẻ tín dụng lãi sẽ chồng lãi, tới kì sao kê, cộng dồn vào tiền gốc và từ đó phát sinh tiền lãi nữa. Lãi suất thẻ tín dụng rất cao vì nó không cần tài sản đảm bảo. Hiện tại, lãi suất nhiều ngân hàng đang tính là gần 40%/năm.
Thứ 4 phải làm tốt khâu quản lý thẻ, xem mình có bao nhiêu thẻ để tránh trường hợp quên thanh toán
Nhiều người có thói quen bỏ qua, hoặc chẳng thèm đọc những tin nhắn từ ngân hàng. Đây là thói quen có thể biến bạn từ người vui vẻ thành con nợ, ngập đầu trong nợ.
"Những mail tin nhắn mà ngân hàng gửi tuyệt đối đừng phớt lờ qua, học và đọc kĩ. Vì thẻ tín dụng là một khoản nợ và nó sẽ đi theo mình suốt đời. Chỉ cần trễ 1, 2 đồng cũng sẽ báo đó là khoản nợ quá hạn. Và nó sẽ thể hiện rõ trong lịch sử tín dụng của mình, sau này sẽ gặp nhiều rắc rối liên quan đến vay vốn. Nhiều người không thể vay vốn ngân hàng khác để mua nhà chỉ vì nợ mười mấy triệu thẻ tín dụng. Mấy chục ngàn, mấy trăm ngàn nợ cũng là một khoản nợ quá hạn".