Để tìm hiểu rõ hơn về tuổi thơ của Nguyễn Hữu Tình - nghi phạm trong vụ sát hại 5 người ở quận Bình Tân, TPHCM gây chấn động dư luận những ngày qua, ngày 26/2, phóng viên Tiền Phong tiếp tục tìm về xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Ngôi trường mà trước đây nghi phạm Nguyễn Hữu Tình theo học.
Đứa trẻ ngoan trở thành nghi phạm giết người
Tuổi thơ của nghi phạm Tình với nhận xét của thầy cô, hàng xóm láng giềng là một đứa trẻ ngoan, lễ phép và chưa từng làm phiền lòng bất cứ ai. Tuy nhiên, chỉ có cái tội nghiện game không ai có thể khuyên bảo được.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Lâm T. (SN 1977) mẹ ruột của Tình nói trong nước mắt: “Học tiểu học, thằng Tình là do tôi đưa rước. Hồi đó, đường xá đi lại khó khăn, hằng ngày tôi phải đưa con qua sông và đi hơn 2 cây số mới tới trường. Đến khi lên cấp 2, nó mặc cảm với bạn bè nên kêu tôi để nó tự đi học. Thấy vậy, tôi tích cóp, mượn ít tiền mua cho nó chiếc xe đạp”.
Kể từ đó, học hết lớp 6 là Tình trở thành một con người khác hẳn “Hôm đó, cô chủ nhiệm gọi điện về cho tôi nói là gần đây Tình thường xuyên nghỉ học. Tôi đang bán rau mà phải bỏ giữa chợ, đi rình xem lí do tại sao thì phát hiện nó hay la cà ở các phòng game. Bắt gặp ở chỗ này thì nó lại đến chỗ khác, chơi từ 5h sáng đến 23h khuya”, bà T. nói.
Theo bà T. có lần giận quá, ông Nguyễn Hữu A. (SN 1974) cha của Tình lôi từ quán game về nhà đánh bầm tím cả người Tình cũng không nhúc nhích, phản ứng gì, cứ đứng vậy cho đánh, trơ trơ ra, không nói không rằng, Tình bỏ nhà đi bụi mấy ngày liền.
Đến năm lớp 7, Tình vừa học vừa đi bán vé số, sau đó chuyển qua bán gương sen tại các quán nhậu. “Đi lấy vé số bán rồi xài luôn tiền vốn nên phải nợ đại lí, rồi người ta kiếm tôi đòi tiền. Khi hỏi nó, thì nó nói tiền làm không đủ xài. Thậm chí nó còn giả giọng của tôi gọi điện cho cô giáo để xin nghỉ học nữa chứ”, bà T. chia sẻ.
Vì mê game, gia đình có ý định nhờ công an đưa đi cải tạo
Ông Nguyễn Tấn Phúc - Trưởng Công an xã Châu Lăng cho biết, ông A. chăm sóc cây cảnh cho một ngôi chùa gần Núi Cấm nên thường hay uống cà phê ở quán đối diện UBND xã. Có lần ông A. dạy con không được lên nhờ công an xã can thiệp. “Thậm chí ông còn viết đơn xin chính quyền và ngành chức năng cho nó được đi cải tạo. “Tình chỉ mê game chứ không thấy đánh nhau, quậy phá nên không có cách nào có thể đưa đi cải tạo được”, ông Phúc nói.
Gần nhà với nghi phạm Nguyễn Hữu Tình, ông Nguyễn Ngọc Phát – Tổ trưởng tổ NDTQ ấp Cây Me nhận xét Tình chưa từng trộm cắp, quậy phá nhưng có lần nghe bà T. nói là Tình cạy tủ lấy tiền của cha để đi chơi game. Mỗi lần bị la rầy là Tình lấy quần áo bỏ đi, đến khi gia đình đi kiếm thì mới chịu về.
Sau khi học xong lớp 9, Tình nghỉ học rồi đi phục vụ các quán cà phê. Khi làm hết ca là bỏ đi chơi game đến tận sáng. Thời gian sau thì đi phụ làm lơ xe, rồi bỏ nhà lên TP.HCM. “Tết năm nay nữa là đúng 3 cái Tết thằng Tình không ở nhà. Năm đầu, nó về hôm 28 Tết, mượn cái xe chạy đi chơi nhưng gia đình không cho rồi nó bỏ đi. Năm ngoái, mùng 2 Tết nó về chỉ gặp chị dâu và tôi đúng 20 phút là mất biệt cho đến tháng 12 vừa rồi nó về khám sức khoẻ đi nghĩa vụ nhưng rớt vì thấp bé, nhẹ cân”, cô ruột của Tình kể.
“Có lần tôi đi tìm con, thấy nó ngồi trong phòng game mà mặt mày xanh ngắt, run bần bật vì đói. Nó chơi game nên khùng luôn rồi, tội nó gây quá lớn. Hằng ngày, tôi chỉ biết tụng kinh, niệm phật để cầu cho các vong linh được siêu thoát chứ không dám xin tội cho con”, bà T. nức nở.
Cũng theo bà T. sau khi Tình trở về quê khám sức khoẻ, ở nhà chơi vài ngày. “Hôm đưa con ra bến xe mà tim tôi quặn đau, tôi ôm nó thật chặt vào lòng và khóc như có cảm giác nó đi không trở về. Rồi khi chú Ba hàng xóm đọc báo mạng phát hiện mới báo cho tôi hay. Tôi rụng rời chân tay, đọc không hết bài báo, lao về nhà nằm vật vã…”, bà T nhớ lại.
Cô Lâm Kim Hồng – Giáo viên trường Trung học cơ sở TT. Tri Tôn, người từng có 2 năm chủ nhiệm lớp của Tình nói: “Mặc dù lứa học sinh của tôi từng chủ nhiệm đã ra trường cách đây 3 năm, nhưng nói đến em Tình là tôi nhớ rõ cậu học sinh ít nói, thường hay nghỉ học nhiều và đi trễ”.
Năm học lớp 6, thời điểm đó Tình là một học sinh ngoan, lễ phép. Khi đến năm học cuối cấp, một tháng Tình nghỉ học 7 – 8 ngày. Vừa nói, cô Hồng giở cho chúng tôi xem bảng nhận xét và đánh giá từ các năm học. Chỉ có lớp 6 là học sinh tiên tiến, còn lại đa phần là trung bình, giáo viên phê “Thường xuyên vắng không phép”; “đi trễ”; “Chưa thực hiện tốt nội qui”.
“Mỗi lần như vậy là tôi gọi điện về nhà, cha mẹ Tình phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm con nhìn thấy mà xót. Nhưng nhắc nhở hoài mà tính nó vẫn vậy. Trong lớp thì không chơi thân với ai, nghe học sinh nói lại là Tình toàn chơi với bạn bè bên ngoài trường. Có thể do nghiện game mà dẫn đến hư hỏng”, cô Hồng thông tin.