Đây là loại nhân sâm vô cùng giá trị, được ví như “mỏ vàng” nếu bắt gặp. Không chỉ có giá trị tốt đối với sức khỏe, chúng còn có giá trị kinh tế cao, được nhiều người săn lùng.
Loại sâm được nhắc đến trong bài viết này đó chính là Tiết trúc nhân sâm. Đây thực chất là tên gọi để chỉ chung cho một số loại sâm sinh trưởng theo kiểu mọc thành nhiều đốt giống như cây trúc. Sâm Ngọc Linh cũng là một dạng của tiết trúc sâm mà ít người biết đến.
Tiết trúc nhân sâm là loài thân thảo sinh sống lâu năm, thường xuất hiện trong những khu rừng, thung lũng có độ cao khoảng 1.200 - 2.000 mét so với mực nước biển. Chúng xuất hiện chủ yếu tại khu vực núi Hoàng Liên Sơn, được xem như loại sâm hiếm có, số lượng có khi chỉ tính trên đầu ngón tay.
Tiết trúc nhân sâm có chiều cao trung bình từ 50 đến 80cm, lá mọc thành chùm 4-5 lá, có dạng hình cọ, màu xanh nhạt. Phần củ rễ có trọng lượng xấp xỉ 1kg đối với cây trưởng thành, dọc theo thân củ là các đốt nhỏ, với số lượng đốt được xem như tuổi đời của sâm.
Không chỉ có mặt ở Việt Nam, tiết trúc nhân sâm cũng rất hay xuất hiện ở một số tỉnh thành Trung Quốc như Giang Tây, Hồ Nam,... Chúng rất ưa thích những nơi khí hậu ẩm ướt, chịu được cái lạnh dưới 7 độ C và cả cái nóng gay gắt của mùa hè.
Theo như Đông y, loại tiết trúc sâm này là thảo dược quý giá, có nhiều công dụng rất tốt trong việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Do đó mà người mua có thể dùng chúng để ngâm rượu hoặc sắc thuốc uống hàng ngày.
Do độ hiếm có của tiết trúc sâm, giá bán của chúng vì thế mà đắt đỏ khủng khiếp. Nhiều loại sâm thuộc dòng tiết trúc sâm thậm chí có mức giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho mỗi kg thu được. Có nhiều người bỏ cả tiền tỷ nhưng cũng chưa chắc mua được loại sâm này.
Mặc dù có giá trị, thế nhưng rất nhiều người dễ dàng bị lừa bởi các loại sâm thông thường, làm giả thành sâm Ngọc Linh. Vậy nên cách tốt nhất để phân biệt các loại sâm quý đó là dựa vào kinh nghiệm chọn sâm mà thôi.