Đó là một thực tế rất đáng báo động hiện nay khi trẻ mắc bệnh chậm nói ngày càng gia tăng, mà nguyên nhân chính là do bố mẹ chiều chuộng con quá mức.
Theo thống kê tại các khoa nhi, các phòng khám chức năng ở Hà Nội hiện nay, tỷ lệ trẻ đến khám vì mắc bệnh chậm nói gia tăng rất nhanh qua các năm. Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan – nguyên Trưởng khoa Hô hấp nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương), phụ trách phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) cho biết, hiện nay rất khó để đưa ra con số thống kê về tình trạng trẻ chậm nói đến khám tại bệnh viện hay các trung tâm. Nhưng qua quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ Lan khẳng định trẻ mắc bệnh chậm nói đang gia tăng một cách chóng mặt so với trước đây.
“Chúng ta phải hiểu, trẻ mắc bệnh chậm nói ở đây không phải là do trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh như câm điếc hay nói ngọng, mà là trẻ đến tuổi nói nhưng lại nói rất ít, nguyên nhân là do bố mẹ cho sử dụng điện thoại, iPad quá sớm và quá lạm dụng thiết bị này”, BS Lan nói.
Qua trực tiếp quá trình khám chữa bệnh, BS Lan đã từng gặp rất nhiều trường hợp đến khám vì lý do trên. Điển hình như trường hợp bé gái Hoàng Thị Hương Lan (3,5 tuổi, ở Định Công – Hà Nội), ở lứa tuổi đó lẽ ra bé Lan phải nói được rất nhiều thứ, nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác, bé chỉ nói chữ một và thậm chí là không nói.
“Khi đến gặp bác sĩ, bé chỉ lắc đầu, hỏi không nói thậm chí là khóc sướt mướt cả tiếng đồng hồ, bố mẹ chạm vào cũng khóc, tôi chạm vào để khám cho cháu cũng khóc. Đến khi tôi quay lại hỏi bố mẹ cháu là: Khi ở nhà khi cho cháu ăn, vệ sinh cá nhân thì cháu có vậy không? Bố mẹ cho biết, nếu không cho chơi điện thoại cháu sẽ giãy nảy khóc và không ai động được vào.
Nghe thấy vậy tôi nói bố mẹ thử đưa điện thoại cho cháu, khi đó cháu tươi ngay và bác sĩ bảo gì nghe đấy, nhưng mắt vẫn dán vào điện thoại. Chỉ cần nhìn thấy vậy là tôi đã biết nguyên nhân vì sao cháu đã 3,5 tuổi và vẫn rất “kiệm lời””, BS Lan kể lại.
Thiết bị điện tử là một trong số những nguyên nhân khiến trẻ châm nói.
Ví dụ một trường hợp khác, BS Lan nhớ lại: “Đó là một bé gái đã gần 5 tuổi, khi đến phòng khám, mẹ cháu cho biết cháu học rất giỏi tiếng Anh, nhưng giao tiếp và nói tiếng Việt rất kém, kể cả khi đi trường mầm non”.
Qua khai thác sinh hoạt và tiếp xúc với bé, BS Lan cho biết, do bố mẹ cho cháu xem quá nhiều điện thoại, Ipad nên cháu bắt chước những từ tiếng Anh trong máy rất giỏi, kể cả khi đến trường cháu cũng nói cả tiếng Anh, thấy vậy bố mẹ tưởng cháu có năng khiếu học tiếng Anh nhưng hoàn toàn không phải vậy.
“Đôi khi vì cháu tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm, nghe và học theo lời nói trong các thiết bị đó mà ít giao tiếp ngôn ngữ tiếng Việt, khi đi lớp do cháu nói tiếng Anh, các bạn học cũng trang lứa không hiểu và xa lánh, từ đó khiến cháu càng chậm nói và giao tiếp bằng tiếng Việt”, BS Lan nói.
Từ những trường hợp trên, BS Lan cho biết, ảnh hưởng từ các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, Ipad…khiến trẻ chậm nói, giảm khả năng giao tiếp và diễn tả cảm xúc của trẻ, dẫn đến khả năng ngôn ngữ chậm. Từ đó, khiến trẻ dẫn đến việc bị cô lập với môi trường tập thể.
BS Lan cho biết, đối với các trẻ có biểu hiện trên nếu phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời thì còn điều chỉnh được, nếu không trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và tư kỷ.
Bởi vậy, việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm, nếu có khuôn khổ và hợp lý sẽ tạo cho trẻ khả năng phát triển, còn nếu không vô tình khiến trẻ mắc thêm bệnh, mà điều này các bậc phụ huynh phải là người hiểu và phát hiện sớm nhất trước khi quá muộn.