Từ ngày 18 đến 30/7, thí sinh tham gia xét tuyển đại học (ĐH) sẽ đăng kí nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Để tránh những sai sót có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, Bộ GD&ĐT mở cổng cho thí sinh đăng kí “nháp” và lưu ý một số nội dung quan trọng.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết với xét tuyển ĐH, có 3 mức phổ điểm là dưới 20 điểm/tổ hợp, 20-25 điểm/tổ hợp, 25 điểm/tổ hợp trở lên.
Theo ông Hải, những thí sinh khi so sánh bài làm với đáp án được Bộ GD&ĐT công bố mà dự kiến điểm thi chỉ đạt từ 20 điểm trở xuống thì cần theo dõi sát phương thức xét tuyển sớm của các trường ĐH và nên tham gia đợt xét tuyển bổ sung bằng học bạ. Những thí sinh này hoàn toàn có thể chọn được ngành học phù hợp, nhưng nếu chủ quan thì sẽ trượt ĐH. Ví dụ cùng là ngành Công nghệ thông tin, có trường điểm chuẩn chỉ 20 điểm nhưng có trường tới 27 điểm.
Do đó, thí sinh ước chừng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt dưới 20 điểm/tổ hợp xét tuyển cần có nhiều phương án, trong đó xem xét đăng kí xét tuyển học bạ, xét tuyển sớm có kết quả như thế nào để có chiến thuật đăng kí trên hệ thống từ ngày 18 - 30/7.
Thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2024 để xét tuyển sớm. Ảnh: Mạnh Thắng
Về chiến thuật đăng kí nguyện vọng, ông Hải lưu ý những thí sinh tự do không thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhưng có nguyện vọng xét tuyển ĐH cần liên hệ với các đơn vị đăng kí dự thi do Sở GD&ĐT quy định để được cấp tài khoản trong khoảng thời gian từ 1-20/7.
Từ ngày 18 - 30/7 là giai đoạn quan trọng nhất trong mùa xét tuyển năm nay vì thí sinh đăng kí nguyện vọng lên hệ thống. Đăng kí xong, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 31/7 đến 6/8. Sau đó chờ công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 từ các trường ĐH khi có kết quả lọc ảo lần cuối. Từ ngày 20 - 27/8, thí sinh phải xác nhận nhập học.
Ông Hải hi vọng điểm chuẩn năm nay tương đồng năm trước. Tuy nhiên, ông chia sẻ, điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp rất thất thường vì các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Có trường điểm chuẩn rất cao, thậm chí tăng đột biến.
Các chuyên gia nhận định, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay một số ngành vẫn ở mức cao như Công nghệ thông tin, Truyền thông – Báo chí, Kinh tế - Quản trị Kinh doanh. Vì những ngành này thu hút sự quan tâm của phần lớn thí sinh và các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nên chỉ tiêu còn lại không nhiều. |
Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, khuyên thí sinh sau khi ước lượng được điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu mức điểm không an toàn có thể sử dụng xét tuyển sớm vì theo quy định, trước 17h ngày 10/7, các trường tải dữ liệu xét tuyển sớm lên hệ thống.
Sau thời gian này, thí sinh không còn cơ hội xét tuyển sớm nữa mà phải đợi sau khi công bố tuyển sinh đợt 1 (hết tháng 8).
Cho phép đăng kí “nháp” nguyện vọng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho hay từ ngày 1-20/7, Bộ GD&ĐT mở Hệ thống tuyển sinh chung để các điểm tiếp nhận tạo tài khoản cho thí sinh tự do chỉ đăng kí xét tuyển. Vụ Giáo dục ĐH đề nghị các sở GD&ĐT thông tin rộng rãi cho thí sinh biết và chỉ đạo các điểm tiếp nhận hồ sơ được giao nhiệm vụ tạo tài khoản cho thí sinh (tạo phiếu đăng kí) tổ chức thực hiện theo đúng thời gian, quy trình và các quy định trong tài liệu hướng dẫn.
Từ ngày 6-10/7, Hệ thống sẽ mở để thí sinh thực hành đăng kí xét tuyển. Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp để đăng nhập vào Hệ thống, thực hành đăng kí xét tuyển theo đúng quy trình (trừ bước nộp lệ phí xét tuyển) và thời gian quy định.
Sau ngày 10/7, toàn bộ thông tin thực hành của thí sinh đã đăng kí trên hệ thống sẽ bị xóa để chuẩn bị cho đợt đăng kí xét tuyển chính thức theo thời gian quy định.