Ngay sau khi có công văn trả lời của Bộ GDĐT về việc không tuyển sinh cấp THCS trong trường chuyên, đồng nghĩa với Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam phải dừng tuyển sinh lớp 6 trong năm học tới, nhiều ý kiến trái chiều đã đưa ra.
Ý kiến trái chiều xoay quanh việc dừng tuyển sinh lớp 6 Chuyên Hà Nội – Amsterdam
Mới đây, Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định. Cụ thể, Bộ GDĐT cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên. Theo đó, hệ THCS trong Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể sẽ phải dừng tuyển sinh, thậm chí không tồn tại.
Thông tin này khiến dư luận hoang mang, lo lắng, thậm chí nhiều người bày tỏ tiếc nuối nếu như từ năm học 2024-2025 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam dừng tuyển sinh lớp 6. Đặc biệt là những phụ huynh có con năm nay thi lớp 6 đã dành nhiều thời gian để ôn luyện. Mùa thi chuẩn bị đến, thông tin bất ngờ về việc dừng tuyển sinh được thông báo, làm rất nhiều người ngỡ ngàng.
Nhiều quan điểm được đưa ra xoay quanh việc hệ THCS trong Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể sẽ phải dừng tuyển sinh, thậm chí không tồn tại.
Liên quan đến vấn đề trên, anh Vương Kiên, một phụ huynh có con đang học lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: “Ban đầu con tôi không có ý định thi trường Ams nhưng sau đó con tự đặt mục tiêu cho mình. Con học ôn không hề áp lực mà bản thân con tự cố gắng mỗi ngày. Ngày đi thi, gia đình đưa con đi với tâm thế vô cùng thoải mái và kết quả nhận được khiến cả nhà vỡ òa hạnh phúc.
Nhiều bố mẹ lo lắng học Ams sẽ áp lực nặng nề, nhưng bản thân tôi thấy môi trường học tập của con vô cùng thoải mái, con được tham gia các hoạt động của nhà trường, của các anh chị khoá trên nhiều hơn. Thầy cô yêu thương, các bác phụ huynh vô cùng tuyệt vời.
Vì vậy, với quan điểm của tôi, Ams2 (viết tắt của bậc THCS) xứng đáng được giữ lại, không những vì lịch sử, bản sắc và những giá trị mà nó mang lại mà đó còn là ước mơ và mục tiêu của rất nhiều các bạn học sinh chứ không hẳn chỉ là của bố mẹ”.
Thầy Trần Nhật Minh - giáo viên Toán bậc THCS nổi tiếng ở Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi nghĩ vẫn nên duy trì việc tuyển sinh vào Ams2. Vì thực tế đã cho thấy đây vẫn là một môi trường tốt dành cho các bạn học sinh có năng khiếu. Và kết quả đầu ra của trường năm nào cũng nằm ở top đầu của thành phố. Một môi trường như vậy nếu phải dừng lại thì sẽ mang lại rất nhiều thiệt thòi cho phụ huynh và học sinh. Tất nhiên tôi cũng ủng hộ việc trường nếu duy trì tuyển sinh thì phải có những sự thay đổi để tuân theo các quy định chung của Bộ GDĐT. Có thể là xin cơ chế đặc biệt hoặc cũng có thể là tách ra thành một trường cấp 2 độc lập không liên quan gì đến khối cấp 3”.
Theo thầy Minh, nói về việc học sinh ôn thi vào trường Amsterdam có áp lực hay không thì chắc chắn là ôn thi bất cứ trường nào cũng đều có những áp lực nhất định. Trường Ams thường được chú ý hơn có lẽ do đây là ngôi trường vẫn có sức hút lớn nhất từ trước đến giờ. Vì vậy nên nhiều người vẫn nói là ôn thi vào đây rất áp lực nhưng thực tế thì các học sinh ôn thi vào những trường khác cũng có những áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, áp lực là phải đối mặt và vượt qua chứ không phải là để thấy khó khăn mà nản chí. Áp lực quá là không tốt nhưng nếu có một phương pháp học tập và rèn luyện bài bản, hợp lý thì chúng ta sẽ biết cách vượt qua áp lực và biến nó thành động lực.
Thầy Trần Nhật Minh chia sẻ vẫn nên duy trì việc tuyển sinh vào Ams2. Vì thực tế đã cho thấy đây vẫn là một môi trường tốt dành cho các bạn học sinh có năng khiếu
"Nói về việc xét học bạ của Ams2 thì tôi cho rằng tương đối khắt khe. Bởi vì sự phát triển về mặt năng lực học tập của học sinh tiểu học đến nhiều nhất ở những năm lớp 4, lớp 5. Nếu vì những sơ sảy ở những năm lớp 1, lớp 2 mà không thể thi Ams2 thì đó là điều rất đáng tiếc và thậm chí còn khiến phụ huynh và học sinh cảm thấy không công bằng. Tôi nghĩ rằng dùng tiêu chí học bạ để lọc hồ sơ không phải là không đúng, tuy nhiên cần đưa ra những mức đánh giá phù hợp để hướng tới sự khách quan và mang đến sự cạnh tranh công bằng hơn cho học sinh”.
Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” nêu quan điểm: “Hiện nay việc có tiếp tục được tuyển sinh tiếp hay không chắc phải đợi các cơ quan chức năng ngồi lại với nhau. Không thể phủ nhận một điều, học sinh trúng tuyển vào lớp 6 Trường THPT Hà Nội - Amsterda đều là những em có học lực giỏi và xuất sắc.
Việc yêu cầu dừng tuyển sinh của Bộ là đúng quy định nhưng sẽ thiệt thòi cho các em, bởi vì cùng một chương trình, dù không học vượt lớp, những học sinh này đều hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Giáo dục đại trà dành cho số đông, nhưng cần có một môi trường cho những em thật sự giỏi, quan trọng là phải thay đổi phương thức tuyển sinh. Thậm chí tách hẳn thành trường THCS chất lượng cao, việc này cần sự đồng thuận của thành phố và ngành giáo dục thủ đô. Hy vọng ngành giáo dục thủ đô sớm có quyết định”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dừng hẳn Ams2 là đúng quy định và không nên có cơ chế đặc cách. “Nếu chuyện gì sai luật cũng xin cơ chế riêng thì vô tình khiến tình trạng “lách luật” tăng cao”, một ý kiến cho hay.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng Bộ GD&ĐT "tuýt còi" tuyển sinh lớp 6 Trường Ams là đúng. "Ở góc độ khoa học, học sinh ở bậc tiểu học, THCS tất cả đều phải học một chương trình như nhau đã được Bộ GDĐT công bố. Nếu khoác lên cho các em một chương trình học nặng hơn liệu có phù hợp hay không? Rồi việc xét học bạ, thi cử cũng khiến học sinh phải đi học thêm, luyện thi từ nhỏ gây áp lực rất lớn lên vai trẻ", thầy Lâm bày tỏ.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, ngành giáo dục cần có chính sách lâu dài, ổn định trong tuyển sinh để phụ huynh yên tâm, an lòng. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nào cũng tuyển sinh lớp 6 rất căng thẳng, tỉ lệ chọi cao, áp lực cho học sinh luyện thi rất lớn. Do đó, theo luật và cả thực tiễn, việc dừng tuyển sinh bậc THCS là đúng và việc này cần phải làm từ rất lâu rồi.
Có căn cứ để tiếp tục tuyển sinh lớp 6 trường Ams?
Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay, Luật Giáo dục 2005 đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019. Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử để lại, hiện vẫn có hai trường là Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) và Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại khối THCS không chuyên.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Năm 2023, Bộ GD-ĐT cũng có Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Như vậy, đương nhiên, các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao. Vụ Giáo dục Trung học cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương và tham mưu với lãnh đạo Bộ GDĐT để cùng với địa phương có hướng tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
Mặc dù theo quy định không được tuyển sinh lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tuy nhiên, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ đề xuất phương án giữ ổn định việc tuyển sinh lớp 6 của nhà trường trong năm học tới.
Sở dĩ có đề xuất này là căn cứ pháp lý, trong đó hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được thực hiện theo Luật Thủ đô.
Cụ thể, Điều 12, Luật thủ đô đã chỉ đạo rõ: "Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện".
Ngoài ra, Hà Nội cũng dẫn một căn cứ khác nữa đó là, Quyết định số 5029/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thí điểm hệ THCS đào tạo trình độ cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tờ trình Liên Sở gồm GDĐT, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và đầu tư về việc phê duyệt Đề án thí điểm hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ cao, chất lượng cao của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mô hình Đề án xây dựng thí điểm hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ, chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã được phê duyệt năm 2009.
Cũng theo Sở GDĐT, ngoài cơ sở pháp lý, về mặt thực tiễn, ngôi trường chuyên này có 39 năm hoạt động và có nhiều năm đào tạo hệ THCS. Đơn vị đánh giá, hệ THCS đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hệ tạo nguồn chủ yếu cho các lớp chuyên THPT đạt thành tích rất ấn tượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Đó là việc đổi mới cách dạy học và phát hiện, bồi dưỡng sớm nhân tài nhằm chuẩn bị lực lượng tạo nguồn, sẵn sàng cho việc đào tạo học sinh tham gia vào các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế ở hệ THPT.