Tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem rất nhỏ

Ngày 23/10/2015 08:59 AM (GMT+7)

Theo thống kê, tính từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Quinvaxem có phản ứng nặng là 0,69/1 triệu liều, trong khi tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván là 20/1 triệu liều.

Vắc xin giúp thanh toán nhiều loại bệnh

Sự ra đời của vắc xin là thành quả rất lớn của y học, nhờ có vắc xin mà hàng loạt cắc ca tử vong do bệnh truyền nhiễm đã được ngăn chặn trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều phụ huynh đang tỏ ra hoài nghi về chất lượng vắc xin, trước những hoài nghi này, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đã có những trao đổi xung quanh vấn đề chất lượng vắc xin.

Theo đó, hiện nay vấn đề chất lượng vắc xin được nhiều phụ huynh quan tâm nhất đó là loại vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) được thực hiện tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Vắc-xin Quinvaxem là loại vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh trong một mũi tiêm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.

PGS Phu cũng cho biết, nhờ có vắc-xin và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình này. Thành công của công tác TCMR đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam để đạt mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem rất nhỏ - 1

Vắc xin Quinvaxem được bảo quản nghiêm ngặt tại kho bảo quản vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của tuyến Quốc gia.

Phản ứng sau tiêm chủng chiếm % rất nhỏ

Nói về những phản ứng thường gặp khi tiêm vắc xin, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tiêm chủng vắc-xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hoặc các nhà sản xuất vắc xin theo từng loại vắc xin về các loại phản ứng hoặc là tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.

Sau tiêm chủng có thể gặp phải những phản ứng thông thường là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Trần Hiển – Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia (nguyên Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, hiện ở Việt Nam trong Chương trình Tiêm chủng mở rông quốc gia chỉ dùng một loại vắc-xin “5 trong 1”, đó là vắc-xin Quinvaxem. Vắc xin này được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF. Đây là vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng.

Tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem rất nhỏ - 2

Tỷ lệ phản ứng của vắc xin Quinvaxem rất nhỏ

Theo ông Hiển, hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều vắc-xin Quivaxem tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi.

“Theo thống kê, tính từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Quinvaxem có phản ứng nặng là 0,69/1 triệu liều và tỉ lệ tử vong là 0,17/1 triệu liều. Trong khi tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin bạch hầu-ho gà- uốn ván theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới là 20/1 triệu liều”, ông Hiển thông tin.

Cuối cùng, khi nói về nguyên nhân dẫn đến các phản ứng nặng gây tử vong sau tiêm, GS Hiển cho biết có 4 nguyên nhân đó là: Phản ứng với vắc-xin; trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ; sai sót trong tiêm chủng; phản ứng do tiêm.

Các kết quả điều tra ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, đa số các trường hợp tử vong sau tiêm chủng là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác mà trẻ đã mắc gây tử vong tại thời điểm tiêm chủng.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin an toàn