Stanley Ho Hà Hồng Sân nổi tiếng là vua sòng bài Macau, kiếm khoản tiền khổng lồ nhờ ngành bài bạc đầu những năm 1960, nhưng ít người biết rằng ông cũng đã trở nên rất giàu có nhờ vào Thế chiến 2.
Hà Hồng Sân, ông trùm sòng bạc Macau tuần trước qua đời ở tuổi 98, để lại khối tài sản khổng lồ 14,9 tỉ USD.
Nhưng trước khi đưa Macau trở thành trung tâm bài bạc lớn nhất thế giới, Hà Hồng Sân phải tự khẳng định bản thân, theo CNN.
Sinh năm 1921 ở Hong Kong, cuộc đời Hà gặp sóng gió ngay từ nhỏ. Người cha chuyển sang Sài Gòn sống vì kinh doanh thất bát, khiến gia đình không một xu dính túi. Không lâu sau đó, Thế chiến 2 nổ ra.
Hà Hồng Sân trong bức ảnh chụp năm 1942.
Sau trận Trân Châu Cảng diễn ra vào ngày 7.12.1941, Mỹ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Quân Nhật chiếm Hong Kong từ tay người Anh không lâu sau đó.
Hà khi đó tham gia chiến đấu bảo vệ Hong Kong. Khi thành phố thất thủ, ông vứt bỏ quân phục vì lo rằng sẽ bị quân Nhật xử tử, Hà nói trong cuốn sách “Ký ức Macau” của tác giả Jill McGivering, theo CNN.
Không giống như hàng ngàn người chết ở Hong Kong, vì nạn đói, vì chiến tranh, Hà chọn cho mình tương lai khác.
Sir Robert Hotung, chú của Hà Hồng Sân, là doanh nhân nổi tiếng ở Hong Kong, là người Trung Quốc đầu tiên sống ở quận giàu có vốn chỉ có người phương Tây.
Khi chiến tranh nổ ra, Sir Robert sống ở Macau. Ông mời Hà, khi đó 20 tuổi, sang Macau với mình.
Vào những năm 1990, Hà chia sẻ với sử gia Philip Snow: “Tôi kiếm được rất nhiều tiền từ chiến tranh”. Philip Snow là người từng viết cuốn sách về sự sụp đổ của Hong Kong và sự chiếm đóng của người Nhật.
Khởi nghiệp ở Macau
Hà Hồng Sân năm 1971.
Không giống như những nơi khác ở Trung Quốc, Macau khá bình yên trong Thế chiến 2. Người Bồ Đào Nha giữ lập trường trung lập cho đến năm 1944, từ đó giúp Macau tránh được đổ máu.
Bán đảo Macau khi đó do Thống đốc Bồ Đào Nha Gabriel Maurício Teixeira và tiến sĩ Pedro Jose Lobo quản lý.
Nhật Bản kiểm soát đường biển và hải cảng xung quanh Macau. Nghĩa là Macau phải hợp tác với người Nhật để nhận các chuyến tàu chở thực phẩm và đồ tiếp tế.
Teixeira và Lobo vừa phải giữ quyền tự chủ của bán đảo, vừa phải tránh bị coi là hợp tác với phát xít Nhật.
Trong thời chiến, tình hình ở Macau gặp nhiều khó khăn, do nguồn cung lương thực thiếu thốn, lạm phát tràn lan và làn sóng người tị nạn.
Để giải quyết vấn đề này, Lobo lập ra Công ty Hợp tác xã Macao (CCM) và tham khảo ý kiến của Sir Robert Hotung để tìm một người quản lý. Sir Robert đề cử Hà Hồng Sân.
CCM đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Macau hoạt động, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của bán đảo và cân bằng mối quan hệ với phát xít Nhật.
CCM do Lobo sở hữu 1/3, 1/3 do các gia tộc giàu có người Bồ Đào Nha sở hữu và 1/3 thuộc về quân Nhật.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hơn nửa thế kỷ sau, ông Hà nói: "Tôi phụ trách mạng lưới thương mại, giúp Macau trao đổi máy móc và thiết bị với người Nhật, đổi lấy gạo, đường, đậu. Tôi giống như người trung gian”.
Làm giàu từ chiến tranh
Hà Hồng Sân và một số thành viên trong gia đình.
Với vai trò quản lý CCM, Hà không ngồi một chỗ ở văn phòng. Ông phải thường xuyên di chuyển bằng thuyền để thanh toán tiền và giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa, dàn xếp các thỏa thuận với Hội Tam Hoàng và các phe phái khác nhau ở Trung Quốc.
Trong hồi ký của mình, Hà nói rằng nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách nhất của ông là học tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Nhật vì tính chất của công việc. Hà cũng phải đối phó với nạn cướp biển luôn sẵn sàng cướp những chuyến hàng chở thực phẩm từ Đông Nam Á tới Macau.
Trong khoảng thời gian này, Hà mở nhà máy dầu hỏa khi nguồn cung nhiên liệu đang cạn kiệt, theo Joe Studwell, người đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với các cộng sự của gia đình Hà.
Cuối Thế chiến 2, quân đội Mỹ lo ngại rằng Nhật Bản sẽ chiếm Macau để làm căn cứ, nên đã ném bom các kho chứa xăng dầu, nhằm cắt nguồn cung nhiên liệu cho quân đội Nhật.
Vụ ném bom đã loại bỏ các nguồn cung cấp xăng dầu khác ở Macau, giúp Hà sau này thu lời khổng lồ từ khai thác nhiên liệu.
Sau chiến tranh, Hà Hồng Sân đối mặt với những lời chỉ trích rằng ông đã hợp tác với người Nhật. Ông thoát cảnh bị bắt và đưa về đại lục nhờ người Bồ Đào Nha can thiệp và lời giải thích rằng chỉ hành động “vì sự sống còn của bán đảo”.
Sau Thế chiến 2, Hà Hồng Sân đã trở nên hết sức giàu có, xây dựng mối quan hệ vững chắc với người Bồ Đào Nha. Năm 1942, ông lập gia đình với con gái của một gia tộc Bồ Đào Nha giàu có.
Ở tuổi 24 vào năm 1945, Hà Hồng Sân đã trở thành triệu phú. Ông mở rộng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, dầu hỏa, buôn báo gạo, cũng như đầu tư sang Hong Kong.
Đây là những nền tảng để sau này Hà Hồng Sân đưa Macau trở thành trung tâm bài bạc lớn nhất thế giới.