Nhận tin vợ con bị sát hại, anh P. trở về nhà trong trạng thái như người mất hồn. Thế nhưng, do vắng mặt trong thời điểm vợ con bị giết, anh trở thành đối tượng tình nghi số 1.
Án mạng kinh hoàng lúc chập tối
Những ngày qua, khi vụ án hai cô gái tại bưu điện Cầu Voi bị sát hại được “hâm nóng”, người dân tỉnh Long An chợt nhớ đến vụ thảm án khác chưa tìm ra hung thủ. Gần 10 năm trước, tại số nhà 68/1, ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong đêm 14/5/2011.
Bằng cách thức gần như tương đồng, kẻ thủ ác đã sát hại mẹ con chị H.T.Ch (SN 1968), bé T.T.T.T (SN 2003, con gái chị Ch.) và khiến chị H.T.Q (SN 1973, em gái chị Ch.) trọng thương.
Ngày 16/5/2011, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án giết người, để điều tra, truy bắt hung thủ. Tuy nhiên, đến nay, hung thủ vẫn chưa được tìm thấy.
Ngày 14/5, PV đã tìm về xã An Thạnh tìm kiếm những thông tin mới xung quanh vụ thảm án kinh hoàng. Dù đã gần 10 năm trôi qua, khi được hỏi, người dân nơi đây vẫn kể lại nội dung vụ án một cách rành rọt. Nhiều người vẫn nhớ như in hình ảnh đầy ám ảnh của các nạn nhân tại hiện trường...
Anh L.T.Q (45 tuổi, ngụ xã An Thạnh) chia sẻ, vụ án ám ảnh đến nỗi, mỗi khi phải đi qua cầu An Thạnh, đi về hướng thị trấn Bến Lức, nhiều người không dám nhìn sang bên đường nơi có căn nhà mà mẹ con chị Ch. bị sát hại. Anh L.T.Q nhớ lại: “Mẹ con chị Ch. bị giết vào đêm 14/5/2011. Lúc đó, trong căn nhà chị Ch. đầy máu, bé T. nằm gục chết dưới bàn dài trong nhà, đầu và một bên mặt có nhiều vết thương. Bên trên bàn, chiếc laptop của bé vẫn đang hoạt động. Trong khi đó, chị Ch. nằm chết ngoài sân nhà sau, đối diện với cửa phòng tắm và cái ao sau nhà. Chị cũng có những vết thương như bé T.. Chị Q. bị chém trên đầu và được đưa đi cấp cứu”.
Anh L.T.Q chia sẻ: “Mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà này, tôi vẫn có cảm giác sợ. Cổng nhà luôn khóa kín nhưng trong nhà vẫn có người ở. Chị này là người thoát chết trong vụ án nhưng hiện giờ đầu óc không bình thường”.
Anh Q. chỉ hiện trường vụ án là căn nhà cấp 4 nằm thấp hơn mặt đường ĐT 830 gần cầu An Thạnh. Căn nhà luôn cửa đóng then cài, cánh cổng sắt hoen gỉ hầu như luôn được khóa chặt bằng một sợi xích sắt nối với ổ khóa lớn.
Anh P., người mang tiếng sát hại vợ con suốt gần thập kỷ dù có bằng chứng ngoại phạm. (Ảnh: Hà Nguyễn).
Nỗi đau người ở lại
Cách căn nhà xảy ra vụ thảm sát chưa đầy 500m, anh T.H.P. (ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, chồng chị Ch.) sống lặng lẽ cùng người mẹ già trong cảnh bệnh tật và nỗi đau mang tiếng kẻ giết vợ con.
Anh P. nói, gần chục năm nay, ngày nào anh cũng mong cơ quan chức năng khám phá vụ án, tìm được hung thủ để anh thoát khỏi sự tình nghi. Nhắc đến vụ án, nỗi đau giấu kín suốt gần thập kỷ qua chừng như cái ung nhọt vỡ ra bị xát muối, anh phải lánh mặt PV để tạm che đi những giọt nước mắt chực chờ rơi trên má.
Vượt qua giây phút xúc động ấy, anh trở lại, kể: “Thời điểm đó, tôi chạy xe ôm ở gần siêu thị BigC An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM)... Sau khi chở khách xong, tôi về gần siêu thị BigC ngồi thì nhận được tin báo người nhà tôi bị tai nạn, bảo tôi về ngay. Lúc này, tôi cũng nghĩ vợ con chỉ bị tai nạn bình thường. Nhưng một lúc sau, họ lại gọi bảo vợ con tôi bị giết, hiện trường rùng rợn lắm...”.
“Tôi như người mất hồn, tay chân run lẩy bẩy, chạy xe máy về nhà. Đến nơi, tôi thấy người ta đứng đầy nhà, công an đang khám nghiệm hiện trường... Không vào được bên trong, tôi ngồi bệt ở hành lang như người đã chết, không suy nghĩ được gì. Sau khi công an khám nghiệm xong, tôi mới được vào nhà. Lúc đó, tôi thấy vợ tôi chết trong tư thế nằm trên nền đất ngoài sân sau. Chân cô ấy còn mang đôi dép của tôi thường để trong nhà để rửa chân. Con tôi thì nằm ở ngoài nhà xác của bệnh viện. Tôi vội chạy vào bệnh viện gào khóc để được nhìn mặt con. Em vợ tôi là cô Q. cũng nằm trong bệnh viện”, anh nhớ lại.
Sau vụ việc, người nhà vợ anh P. đau đớn trước mất mát quá lớn nên đã nghi ngờ anh sát hại vợ con mình. Đặc biệt, thời điểm xảy ra vụ thảm sát, anh không có mặt ở nhà càng khiến dư luận tin anh là hung thủ. Do đó, cơ quan điều tra thời điểm đó đã đặt anh vào diện tình nghi đặc biệt. Anh P. được cơ quan điều tra đưa về trụ sở để lấy lời khai, còn bị tạm giữ để điều tra vụ việc.
“Suốt khoảng thời gian hơn nửa tháng, ngày nào, tôi cũng lên cơ quan công an để phục vụ điều tra, rồi ăn cơm ở đó luôn. Họ giữ luôn chiếc xe máy mà tôi dùng để mưu sinh. Không riêng gì cơ quan điều tra, gia đình vợ tôi, dư luận địa phương cũng đinh ninh tôi giết vợ con. Họ cứ xầm xì, có người còn không thèm nhìn mặt tôi, có người xa lánh, khinh ghét và sợ tôi. Tôi đau khổ lắm...”, anh P. nói.
Nạn nhân dự cảm được thảm kịch?
Trước nỗi đau bị tình nghi, anh P. không còn cách nào khác là hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để được minh oan. Anh nói, người dân nghi ngờ anh là hung thủ bởi trước đó anh từng cờ bạc, gây ra nợ nần đến nỗi phải trốn tránh.
Anh P. thừa nhận: “Chuyện tôi đánh bài, thua, nợ phải trốn là có. Thế nhưng, tôi và vợ chưa bao giờ xảy ra chuyện cãi nhau về việc này. Ngày xảy ra vụ án, tôi lên TP.HCM chạy xe ôm. Tôi thường chạy ban đêm vì dễ có khách và tiền nhiều hơn. Khi tôi dắt xe ra để lên TP.HCM chạy xe ôm, con tôi gọi lại bảo mua cho bé 2 cây thịt nướng. Việc này có bà hàng xóm đứng bên nhà nhìn thấy. Lúc đó, bà ấy còn nói chuyện với vợ con tôi. Lúc tôi mua thịt nướng về, bà ấy vẫn đang nói chuyện với vợ con tôi”.
“Thời điểm vụ án xảy ra, tôi đang chở một bà khách lên quận 6, TP.HCM. Trên đường đi, bà ấy có kể tôi nghe bà ấy làm ở đâu, và đang về thăm con... Khi làm việc với cơ quan chức năng, tôi đã khai toàn bộ các chi tiết chứng minh ngoại phạm. Sau đó, công an mời người hàng xóm và cả bà khách mà tôi chở lên quận 6 để đối chất. Công an cũng chở tôi đi thực nghiệm lại quá trình di chuyển, tốc độ di chuyển trong thời điểm xảy ra vụ án. Mọi việc trùng khớp lời tôi khai nên sau này công an không điều tra tôi nữa. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều người vẫn nghĩ tôi là hung thủ khiến cuộc sống tôi hết sức ngột ngạt, đau khổ”, anh chia sẻ.
Anh tiết lộ một chi tiết khá đáng chú ý: Trước ngày xảy ra vụ án, vợ anh đã có những biểu hiện bất thường. 2-3 ngày trước khi xảy ra án mạng, chị Ch. liên tục nói đến cái chết. Chị nói với chồng rằng năm nay (năm 2011 – PV) mình gặp đại họa và bị chém chết.
Anh P. quả quyết: “Mấy ngày đó, cô ấy hay nói tới cái chết. Vợ tôi nói năm nay cô ấy sẽ chết, mà bị chém chết. Ngày xảy ra vụ án, gia đình tôi tự dưng quây quần bên nhau. Hôm đó, tôi lấy xe máy chở vợ con đi lòng vòng trong xóm rồi về nhà. Đến nhà, chúng tôi lại tiếp tục cùng nhau quây quần trong vườn nhà. Điều này ít khi xảy ra. Trong ngày hôm đó, vợ tôi than phiền về nhiều việc. Một điềm lạ khác là con tôi trước giờ chưa bao giờ dọn dẹp đồ đạc gì cả... Hôm đó, cháu lại tự động đi dọn dẹp cái này, cái kia. Tôi hỏi thì bé nói con dọn dẹp mọi thứ gọn gàng cho ba vui. Tôi không bao giờ ngờ rằng, hôm ấy là ngày cuối cùng gia đình quây quần bên nhau”.
Chồng nạn nhân có chứng cứ ngoại phạm Trao đổi với PV, anh Ph., một cán bộ điều tra từng tham gia điều tra vụ án trên xác nhận, thời điểm vụ án xảy ra, anh trực tiếp tham gia điều tra, xác minh lời khai của chồng các nạn nhân. Sau công tác xác minh và nhận thấy anh P. có chứng cứ ngoại phạm chắc chắn, cơ quan công an đã loại anh P. ra khỏi diện tình nghi. Vị cán bộ này cũng từ chối bình luận thêm về vụ án và cho biết, hiện nay, anh đã chuyển công tác mới, trong khi đó vụ án đã xảy ra quá lâu nên không thể cung cấp thông tin một cách cụ thể. |