Mặc dù có thói quen để ngực trần nhưng váy, áo của những người phụ nữ này lại mang phong cách độc đáo riêng biệt.
Không phải dải đất Tây Nguyên rộng lớn, cũng chẳng là những bản làng xa xôi lưng chừng dãy Trường Sơn huyền hoặc, tôi vô cùng bất ngờ khi đi dọc quốc lộ 14, tuyến quốc lộ dài thứ 2 của đất nước (sau quốc lộ 1A) đoạn qua Bù Na, Bu Lon, Bu Glong, Bù Đăng, Bàu Lạch, Bù Lơ… lại bắt gặp những người đàn bà ngực trần trong công việc bình thường của mình.
Họ là cộng đồng người S'tiêng sinh sống rải rác ở nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Bình Phước.
Những bộ ngực trần của những người đàn bà ấy không gợi lên trong chút một chút sắc dục nào mà ngược lại, chỉ thấy một vẻ đẹp tự nhiên đầy ám ảnh và sự chân thật đến tận cùng của núi rừng.
Vẻ đẹp bình dị
Lần đầu tiên tới vùng rừng núi Bình Phước, tôi men theo quốc lộ 14 từ thị trấn Chơn Thành đi ngược lên. Mùa này, những cơn mưa đã bắt đầu xuất hiện khiến đất trời miền Đông như bừng tỉnh sau những ngày nắng nóng kéo dài.
Tuyến quốc lộ như con trăn khổng lồ uốn lượn quanh co trập trùng, lúc thì trải ra trước mắt, lúc lại ẩn hiện nhập nhòa lẫn vào trong mây, để tạo nên một trong những cung đèo, khúc cua. Nó không hùng vĩ như Tây Nguyên nhưng nó là địa hình đang trở mình từ đồng bằng đến cao nguyên bằng những cú vặn mình ngoạn mục.
Bà Thi Ban để ngực trần cả đời.
Thế nhưng, đó chưa phải là điều kỳ lạ nhất của mảnh đất này, điều kỳ lạ với tôi là hình ảnh hàng chục người phụ nữ lưng đeo gùi, chân bước lầm lũi chỉ mặc độc một chiếc váy thổ cẩm quấn ngang hông với bầu vú để trần. Họ lặng lẽ đi, an nhiên bên cuộc đời một cách chậm dãi như bỏ bên ngoài những dòng xe khá đông đúc bên kia quốc lộ.
Thế nhưng, chỉ cần một thoáng lướt qua ấy cũng đủ để hình ảnh những người phụ nữ ngực trần in lại mãi, ám ảnh trong tâm trí tôi. Đó không phải là những người phụ nữ khỏa thân hở hang mà tôi vẫn gặp nhan nhản trên sách báo, mạng internet hiện nay mà là hình ảnh của một vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ và gần gũi với thiên nhiên.
Và, hành trình tìm hiểu về những người đàn bà ngực trần lại càng thôi thúc tôi, giữa quanh co những con đường dốc uốn lượn màu đất đỏ miền Đông này.
Từ tỉnh lộ ĐT 760, một nhánh của quốc lộ 14, chúng tôi tìm tới cộng đồng người S'tiêng nằm cạnh hồ Thác Mơ khi trời đã xế chiều. Hai bên con đường đất đỏ là những vườn điều đang mùa đậu quả, và những mái nhà bình dị.
Từ bao đời nay, những người S'tiêng luôn tìm cho mình những nơi định cư gần như tách bạch với các làng ấp có tên gọi hành chính khác. Họ sống thuận hòa, nguyên sơ và đơn giản đâu đó ở những vùng đất heo hút nhất.
Bà Thi Ban, 61 tuổi, một người dân ở đây kể, với người phụ nữ S'tiêng, ngực của họ được coi là vẻ đẹp thuần khiết. Cái bầu vú căng tròn đầy sức sống của họ như là một biểu tượng của sự sinh sôi, của những nảy nở cần được phô ra.
Kể cả sau khi đã lấy chồng, sinh con thì những người phụ nữ vẫn không bao giờ mặc áo. Tuy nhiên, đến thời gian này, họ thường che ngực bằng các loại trang sức khác như dây cườm đeo ở cổ, các loại bạc, đồng được chế tác rồi buộc để đeo như dây chuyền của người Kinh vậy.
Cũng chính vì tập tục để ngực trần mà phụ nữ S'tiêng rất thích dùng trang sức đeo trước ngực.
Hỏi chuyện bà Thi Ban được biết, cũng như nhiều người S'tiêng khác, bà và gia đình, cộng đồng mình không có nơi lưu trú cố định. Họ di cư nhiều đời, qua nhiều vùng đất khác nhau, từ Tây Nguyên men theo dải Trường Sơn xuống vùng rừng núi tiệm cận đồng bằng là Bình Phước, rồi sinh sống ở đó, quanh những núi đồi, thung lũng rộng lớn của dãy Bà Rá.
Hàng ngày, cuộc sống của bà chỉ quanh quẩn ở trong nhà và những nương rẫy đã thân thuộc với những con đường đất đỏ mà thôi. Ngày trẻ, bà rất đẹp và sau khi lấy chồng, sinh cả thảy 6 người con cả trai lẫn gái, bà vẫn đẹp, vẫn để ngực trần.
Bà bảo, việc để ngực trần cả cuộc đời giúp bà cảm thấy tự tin, mạnh khỏe hơn. Khi nào trời lạnh hoặc ban đêm ngủ, bà mới quấn quanh người một tấm khăn rô dệt bằng thổ cẩm được dệt từ sợi tơ thô. Còn bình thường, tấm khăn đó có thể được quấn quanh đầu, quấn ngang hông hoặc buộc chéo để địu con mà thôi.
Nghe bà Thi Ban kể chuyện, nhìn bộ ngực đã trễ màu xám của bà, chúng tôi có cảm giác rằng, không có điều gì bí ẩn bằng những cái chúng ta được nhìn thấy rõ nhất!.
Phai nhạt theo thời gian
Tuy nhiên, không chỉ có người S'tiêng ở xóm nhỏ heo hút mà tôi tìm tới mới để ngực trần, mà khắp vùng biên giới Bình Phước này, quanh những bản làng khác của dãy Bà Rá hùng vĩ, rất nhiều người phụ nữ S'tiêng khác cũng vẫn giữ thói quen như vậy.
Vài chục năm trở lại đây, rất nhiều nếp sống của cộng đồng thị dân đã quét qua núi rừng, nhưng nó dường như vẫn chưa đủ sức làm thay đổi tất thảy những thói quen của cộng đồng cư dân S'tiêng đã sinh sống nhiều đời nơi đây.
Không khó nhận ra rằng, những bộ quần áo may sẵn đã tràn ngập những khu chợ, những cộng đồng người dân ở khắp dải đất biên giới Bình Phước này. Và rất nhiều thói quen, nếp sinh hoạt khác cũng như ý thức sống của cư dân, cả những cư dân S'tiêng ở đây cũng thay đổi. Đó là quy luật không thể thay thế.
Thế nên, nó càng khiến những người phụ nữ để ngực trần tôi đã gặp trở nên đặc biệt và đẹp đẽ lạ thường, dù thực sự họ khá hiếm hoi. Họ vẫn đi rừng, vẫn lấy măng, lấy lá, lấy củi, lấy sâm, lấy nấm… vẫn xuống chợ, vẫn nói chuyện với những người xa lạ lần đầu đặt chân tới dải đất này như chúng tôi, nhưng họ vẫn giữ được thói quen để ngực trần khi ở nhà.
Có lẽ, cùng với những đám mây thâm u trên đỉnh Bà Rá phía xa xa, những người phụ nữ S'tiêng nơi đây là còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất.
Tác giả bài viết và người đàn bà ngực trần.
Già làng Điểu Năm, 67 tuổi người S'tiêng ở Bù Ghe thuộc huyện biên giới Bù Đăng bùi ngùi bảo, từ cách đây khoảng hơn mười năm nay, lẫn trong các buôn của người S'tiêng đã có thêm những cộng đồng người khác với văn hóa, lối sống khác xâm nhập vào.
Hơn nữa, việc những thế hệ trẻ đi học, tiếp xúc với cuộc sống hiện đại đã khiến cho thói quen ở trần dần dần ít đi.
Không thể nào có một cô gái, chàng trai người S'tiêng lại có thể để ngực trần rồi đi học hay đi chơi cùng bạn bè được. Vì thế, họ thường chỉ để ngực trần khi đi…tắm suối.
Hiện nay dù có đi hết các buôn, trấn của người S'tiêng thì cũng khó lòng tìm được những người phụ nữ để ngực trần. Có chăng, chỉ còn một số người lớn tuổi, họ vẫn giữ thói quen từ mấy chục năm trước và cũng không cảm thấy dễ chịu khi mặc đồ của người miền xuôi.
Nói về lịch sử và nguyên nhân khiến những người S'tiêng để ngực trần, già Điểu Năm bảo rằng, do trước kia, phần lớn người S'tiêng đều theo quan niệm Mẫu hệ. Thậm chí ngày nay, nhiều đôi trai gái S'tiêng cưới nhau, chàng trai vẫn đến nhà vợ ở.
Một thời gian sau, thường là khi có con, họ mới tìm đến nơi khác để tạo lập gia đình riêng của mình. Trong quan niệm sống, họ tôn thờ các thần thuộc giống Cái như Nữ thần Mặt trời, thần Mẹ lúa, dòng sông Mẹ… cùng sự đề cao vai trò chủ chốt của người phụ nữ trong cuộc sống.
Đặc biệt hơn, mặc dù có thói quen để ngực trần nhưng váy, áo của phụ nữ S'tiêng lại mang phong cách độc đáo riêng biệt. Váy áo cũng như chiếc gùi của người S'tiêng ở Bình Phước có nhiều nét khác hẳn với các cộng đồng dân tộc thiểu số khác ở đây, hoặc ở Tây Nguyên.
Họ dành nhiều tâm huyết và công sức để hoàn thành những bộ váy áo đó bằng chất liệu sợi thô lấy từ các loài thực vật trong rừng cùng những loại màu đơn (không pha) có gam nóng rực rỡ như đỏ, vàng, cam, đen tuyền…lấy từ cây lá ở tự nhiên.
Ngoài cách chọn nguyên vật liệu, sự phối màu cũng chính là yếu tố làm lên nét đặc sắc của những trang phục thổ cẩm của người phụ nữ S'tiêng. Nó đều mang hơi hướng của núi rừng, sông suối và cảnh vật xung quanh nơi họ sống.
Tôi đã đi lại thêm nhiều lần nữa trên tuyến quốc lộ 14, hay những tuyến đường tỉnh lộ, những con đường đất đỏ không tên ngoằn nghèo nhưng chưa gặp lại những người phụ nữ để ngực trần thong dong như trước. Không phải bởi họ đã mặc áo mà bởi thói quen di chuyển, từ thảm rừng này qua thảm rừng khác.
Có thể năm ngoái tôi gặp họ ở Bù Nhau, Bù Lạch nhưng năm nay, họ đã di cư sang Bù Đek, Bù Ka… Bất cứ nơi đâu trong những cánh rừng biên giới thâm u này cũng có thể là nơi nương náu của họ.
Những người đàn bà sinh ra từ núi rừng, mang trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của núi rừng.