Nhiều năm qua, hồ được người dân gọi với cái tên khá rùng rợn là “hồ tử thần”, bởi gần như năm nào một trong ba hồ trên cũng đều “nuốt” vài ba mạng người vô tội. Nhiều câu chuyện đậm chất tâm linh cũng từ đó mà xuất hiện.
Từ khi thủy điện Nông Trang (Đắk R’Lấp, Đắc Nông) ngừng hoạt động và rút đi đã để lại 3 hồ nước lớn lần lượt đánh số theo thứ tự là Nông Trang 1, 2, 3 thuộc xã Đắk Ru, người dân coi đây là hệ thống tưới tiêu chủ lực cho cây công nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hồ được người dân gọi với cái tên khá rùng rợn là “hồ tử thần”, bởi gần như năm nào một trong ba hồ trên cũng đều “nuốt” vài ba mạng người vô tội. Nhiều câu chuyện đậm chất tâm linh cũng từ đó mà xuất hiện.
Những cái chết thương tâm
Hồ Nông Trang 1, 2, 3 nằm trên địa bàn xã Đắk Ru trước đây vốn là lòng hồ chứ nước cho thủy điện với độ sâu từ 10 đến 20m. Kể từ những năm 1980, khi TP.HCM có chính sách di dời những hộ dân thuộc các khu vực xóm bụi, xóm nước đen và những người lang thang cơ nhỡ về đây sinh sống, lập nghiệp thì quanh hồ trở nên xôm tụ.
Do yếu tố địa lý là rừng núi nên giao thông nối các thôn ấp vẫn còn vô vàn khó khăn. Con lộ dẫn vào xã Đắk Ru chênh vênh vát dọc sườn núi, đi bất cẩn có thể trượt chân té ngã bất cứ lúc nào. Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, người dân nơi đây vẫn ngày ngày cặm cụi ra vào để chăm sóc cà phê và vận chuyển lương thực bám trụ cuộc sống.
Nhưng khi chuyện “thiên tai”chưa kịp ám ảnh, thì nỗi lo “nhân tai” lại ập đến, bởi các vụ nạn đuối nước ở ba hồ nước trên đột nhiên tăng một cách bất thường. Hơn 10 năm nay, hầu như năm nào cũng chứng kiến những vụ người dân chết đuối, bao gồm chết đuối đơn lẻ và đuối tập thể.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Phong có con trai là nạn nhân của một trong ba chiếc “hồ tử thần” này. Anh Phong kể, vào năm 2009, vì bận bịu đi làm rẫy nên anh để người con trai là Nguyễn Văn Cảnh trông nhà. Trưa nắng nóng, con anh cùng chúng bạn trong xóm rủ nhau ra hồ Nông Trang tắm nhưng không trở về, gia đình đổ xô đi tìm ven hồ.
Đúng ngày thứ ba, như có linh cảm, mọi người men theo bờ hồ Nông Trang 1 xem thì ai nấy sững người khi thấy xác 4 cháu nhỏ nổi lềnh bềnh, trong đó có cháu Cảnh. Theo anh Phong thì 5 năm qua, tại hồ Nông Trang 2 và Nông Trang 3 đã xảy ra 4 vụ đuối nước tập thể khác, làm 6 cháu nhỏ và 2 người lớn tử vong.
Cụ thể, vào tháng 4/2012, Hồ Nông Trang 2 đã “nuốt” hai cháu nhỏ là anh em ruột trong một hộ dân của thôn Đoàn Kết. Cách địa điểm này khoảng 15 mét, đúng một năm sau lại thêm một vụ đuối nước thương tâm khiến hai đứa trẻ một trai một gái tử vong. Chính vì những vụ đuối nước cứ lần lượt nối tiếp diễn ra trên ba lòng hồ, nên nảy sinh không ít chuyện đồn thổi tâm linh, khiến người dân thấp thỏm lo sợ.
Lễ tang của một nạn nhân bị chết dưới hồ
Gia đình bà Nguyễn Thị Bảnh (46 tuổi), sống gần lòng hồ là một trong số những hộ dân bị ám ảnh nghiêm trọng. Trò chuyện với chúng tôi, bà Bảnh quả quyết rằng rất nhiều lần bị các “oan hồn” từ lòng hồ về sách nhiễu, khiến gia đình vô cùng hoang mang và mệt mỏi. Nhiều ngày trôi qua, quá hoảng sợ, bà phải mời cả thầy cúng cao tay về giải hạn, dùng bùa trấn yểm nhưng vẫn không xong.
“Nhiều đêm đang ngủ, tôi lại giật mình thức giấc ngỡ rằng có ai đó đi từ lòng hồ vào viếng thăm nhà khiến ăn ngủ không yên, sinh hoạt đảo lộn. Nhiều tháng nay, gia đình quyết định đóng cửa, bỏ nhà hoang rồi lùi sâu vào trong rẫy ở”, bà Bảnh nói.
Mặc dù vườn cà phê của gia đình bà đang trong thời kỳ cho thu hoạch với năng suất rất cao, nhưng vì lý do trên, bà vẫn quyết định rao bán. Vậy nhưng, thời gian trôi qua cũng chẳng có ai đến hỏi han. Người dân e sợ, nếu mua được đám rẫy tươi tốt ven hồ của bà Bảnh thì về cũng bị “ma” quanh bờ hồ ám mang bệnh mà chết (?).
Đang ngày ngày trông ngóng có người đến “thanh lý” khu vườn thì một tai nạn thương tâm khác lại tiếp tục ập đến, khiến gia đình bà Bảnh vốn đã hoang mang nay càng vô cùng lo sợ. Đó là vào tháng 4 vừa qua, hai cháu Trương Mã Tiến (9 tuổi), con trai của anh Trương Mã Tiên và cháu Hằng (7 tuổi) con gái của vợ chồng chị Liên ở cùng thôn Đoàn Kết, trong lúc chơi bên bờ hồ, bất cẩn sẩy chân đuối nước. Người dân cho rằng, hai cháu là nạn nhân của những “oan hồn” trước đó chứ không đơn thuần là vô tình nữa!
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBMTTQ xã Đắk Ru khẳng định “oan hồn” chỉ là chuyện hoang đường. Ảnh: A.N Chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn Nói về vấn nạn này, ông Vũ Đức Hòa (65 tuổi, sống gần hồ) bức xúc: “Những vụ chết đuối nằm rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau trên ba lòng hồ, điều đáng nói là chúng lại nằm sát khu dân cư đông người sinh sống. Chuyện có ma, hay oan hồn như thế nào thì chưa biết, nhưng thực tế nhiều năm qua những hồ nước trên đã cướp đi nhiều mạng người. Thời gian qua, chính quyền xã đã căm biển báo nguy hiểm ở khu vực nước sâu, nhưng theo tôi như vậy vẫn chưa đủ. Người dân rất mong cơ quan chức năng có các biện pháp rốt ráo hơn, quyết liệt hơn để giúp nâng cao cảnh giác, tránh những tai nạn thương tâm”. |
Giải mã lời đồn hoang đường về “hồ báo oán”
Không chỉ có lời đồn thổi về chuyện “oan hồn” bắt người thế chỗ, mà xung quanh những cái chết thương tâm lại xuất hiện những câu chuyện vô cùng kỳ bí, hoang đường. Đó là cái chết của một nạn nhân đuối nước, sau nhiều năm chôn dưới lòng đất, khi bốc cốt, thi thể vẫn còn nguyên vẹn.
Anh Lê Văn Huân sống bên bờ hồ kể, vào năm 2006, một người đàn ông gần 40 tuổi đi đánh cá vào lúc sáng sớm không may chết đuối. Chiều cùng ngày, người ta vớt được xác lên để tiến hành các thủ tục an táng thì mắt nạn nhân vẫn mở trừng trừng. Lát sau có một người phụ nữ tới xưng là vợ. Người này vào vuốt mắt cho chồng nhưng vẫn không nhắm, dù làm lại nhiều lần vẫn không được.
Là người quen biết trong làng nên anh Huân xung phong vào làm phước. Khi đến bên thi thể nạn nhân, anh vừa đưa tay lên vuốt mắt, vừa nói: “Anh sống khôn, chết thiêng thì mong anh nhắm mắt để yên nghỉ nơi chín suối”, đột nhiên mắt người đã khuất nhắm nghiền lại. Sau đận đó, anh Huân bị ám ảnh nặng, hàng tháng trời sau nằm ngủ anh vẫn bị “bóng đè”, không đêm nào có giấc ngủ ngon.
Riêng người vợ, sau khi nhận xác chồng đem chốt cất chưa đầy 3 tháng, đã khăn gói bỏ đi theo người đàn ông khác, mãi đến 6 năm sau mới quay về chốn cũ cải táng đem về quê. Điều ngạc nhiên là khi đào lên, thi thể vẫn còn nguyên như hồi mới chôn. Dù rất hoảng sợ, nhưng được nhiều người khuyên nên người phụ nữ này đã thuê người cất bốc.
Nhưng cũng đúng 6 tháng sau, không hiểu do đau ốm hay trúng gió mà người phụ nữ này trở nên điên loạn, suốt ngày ra đầu làng khi thì gào khóc gọi tên chồng, lúc hát nghêu ngao, còn người tình thì bỏ đi đâu biệt tích không ai hay. Từ câu chuyện này, nhiều người cho rằng, người đàn ông xấu số đã bị những oan hồn dưới lòng hồ “gọi xuống”, cũng như người phụ nữ kia cũng bị hồn ma oán thán nên mới sinh ra điên loạn.
Đồn đoán hoang đường này một lần nữa lại dệt thêm những đồn thổi rùng rợn bên những chiếc hồ “tử thần”. Tỏ ra hết sức lo lắng trước thực tế tại địa phương, nên khi nhóm phóng viên tiếp cận, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBMTTQ xã Đắk Ru không ngần ngại dẫn chúng tôi đến tận bờ ba hồ nước “tử thần”.
Ông Sơn giải thích: “Từ năm 2009 đến nay, khu vực hồ Nông Trang 1,2,3 đã xảy ra 6 vụ chết đuối tập thể, làm chết 15 người, đó là con số đáng bảo động. Thế nhưng, theo đánh giá của chính quyền thì cả 3 hồ đều rất rộng và sâu, người dân ở đây ngoài việc sử dụng hồ lấy nước còn thường ra đánh cá. Hơn nữa, do nước hồ sạch nên vào mùa nắng không ít người dân, nhất là các cháu nhỏ thường xuyên rủ nhau ra đây đùa nghịch, tắm, đó là nguyên nhân dẫn đến tai nạn”.
Cũng theo ông Sơn, người dân địa phương đồn thổi về chuyện có ma, oan hồn báo oán. Nhưng thực tế, những rỉ tai mang màu sắc hoang đường, tuyên truyền mê tín nhảm nhí như vậy chỉ khiến phức tạp thêm tình hình an ninh tại khu vực. “Thời gian qua, chính quyền xã đã nhắc nhở bà con, đồng thời tuyên truyền các gia đình, một mặt tự đảm bảo an toàn, mặt khác tránh để kẻ xấu lợi dụng, tổ chức cúng lễ lừa đảo. Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường các đội tuần tra, bên cạnh biển báo nguy hiểm khu vực xung quanh hồ”, ông Sơn khẳng định.