Ông Lý Du Sô, Trưởng Ban Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM cho biết, đối với người theo đạo, mỗi ngày bắt buộc hành lễ 5 lần tuy nhiên cũng có thể hành lễ tại nhà chứ không bắt buộc đến thánh đường. Sau khi dự thánh lễ tôn giáo ở Malaysia trở về, họ không có biểu hiện bệnh nên vẫn đến Thánh đườn
Sau dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia trở về, một người ở Ninh Thuận đã mắc bệnh Covid-19 (bệnh nhân 61). Ngày 17/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM phát đi thông báo những người đã từng dự sự kiện này phải tự cách ly tại nhà và nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế.
Bệnh nhân 100 vừa xác định nhiễm Covid-19 ở quận 8 cũng từng dự sự kiện trên và trở về Việt Nam hôm 3/3. Sau khi về, người này nhiều lần đi hành lễ ở thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar ở quận 8.
Khu vực bệnh nhân 100 xác định nhiễm bệnh Covid-19 đang được cách ly. Ảnh Văn Minh
Trao đổi với Tiền Phong về trường hợp bệnh nhân 100, ông Lý Du Sô, Trưởng Ban Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM cho biết, người này từng đến thánh đường hồi giáo Jamiul Anwar (quận 8) hành lễ nhiều lần sau khi trở về từ Malaysia hồi đầu tháng 3/2020.
Theo ông Lý Du Sô, đối với người theo đạo, mỗi ngày bắt buộc hành lễ 5 lần tuy nhiên cũng có thể hành lễ tại nhà chứ không bắt buộc đến thánh đường. Sau khi dự thánh lễ tôn giáo ở Malaysia trở về, người này không có biểu hiện bệnh nên vẫn đến Thánh đường hồi giáo Jamiul Anwar hành lễ.
"Sau khi có thông báo từ cơ quan chức năng về việc tìm những người cùng dự thánh lễ tôn giáo ở Malaysia với bệnh nhân 61, Ban đại diện đã liên hệ các Thánh đường Hồi giáo trên địa bàn TPHCM để xác minh, rà soát danh sách, trong đó ghi nhận có bệnh nhân 100 từng đến hành lễ tại Thánh đường hồi giáo Jamiul Anwar", ông Lý Du Sô cho biết.
Đến ngày 19/3, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM đã gửi danh sách 34 người tại TPHCM từng tham gia thánh lễ tôn giáo ở Malaysia, trong đó có bệnh nhân 100.
Hiện tại có nhiều trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 100 đã được cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia. Ảnh Văn Minh
Ông Lý Du Sô cho biết thêm, đến 23/3 tại TPHCM đã xác minh được 41 người có tham dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia. Danh sách này đã được Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM gửi đến cơ quan chức năng.
Nói thêm về việc này, ông Lý Du Sô cho biết, tín đồ đi dự thánh lễ tôn giáo ở Malaysia không có thông báo cho Ban đại diện và cũng không có quy định thông báo gì, tín đồ đi tự do. Chính việc này mà Ban đại diện mới mất thời gian rà soát danh sách những tín đồ từng di dự thánh lễ tôn giáo ở Malaysia.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh TTBC
"Hiện nay Ban đại diện cũng có đề nghị tín đồ hạn chế đi hành lễ ở thánh đường mà nên hành lễ tại nhà. Những tín đồ có đến hành lễ ở thánh đường thì nên đeo khẩu trang và thực hiện đo thân nhiệt trước khi vào dự. Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Musulman (66 Đông Du, Quận 1) có trang bị 14 máy đo thân nhiệt cho các Thánh đường tại TPHCM"- ông Lý Du Sô nói.
Chia sẻ về nhu yếu phẩm cho tin đồ đang được cách ly, ông Sô cho biết các tín đồ được cách ly cũng không đòi hỏi gì nhiều về chế độ ăn uống như báo chí nêu vừa qua, chỉ gặp khó khăn là khẩu phần ăn uống của tín đồ Hồi giáo có khác nên TPHCM đã chỉ đạo cơ quan địa phương tìm những nơi bán đồ ăn cho người theo đạo Hồi giáo.
Chiều 23/3, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, bệnh nhân 100 về Việt Nam ngày 3/3, đến ngày 17/3 lấy mẫu xét nghiệm thì dương tính và đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM.
Khu vực cộng đồng người Hồi giáo sinh sống ở phường 1 (quận 8), TPHCM đã xác định được 152 người hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 100 từng dự hành lễ ở Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar. Những trường hợp này đã đưa đi cách ly tập trung. Trong những ngày tới, TPHCM sẽ tiếp tục đưa thêm người đi cách ly tập trung, có thể lên tới 700 người liên quan đến bệnh nhân 100 này.