Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ ngày tết vừa có ý nghĩa trang trí vừa có ý nghĩa tâm linh.
5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau
Ngày Tết, hầu như trên bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ trong năm mới sắp tới.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, mâm ngũ quả gồm 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau.
Mâm ngũ quả xuất phát từ quan niệm âm dương ngũ hành – vạn vật hòa hợp cũng trời đất. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại.
Con số 5 - “ngũ” - tương ứng với ngũ hành, là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ.
Chính vì vậy, mâm ngũ quả trên bàn thờ nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ ngày tết vừa có ý nghĩa trang trí vừa có ý nghĩa tâm linh
Ông Sơn cho hay, trong mâm ngũ quả không có quy định chuẩn cụ thể những loại quả gì, tùy từng nơi, từng vùng mà gia chủ chuẩn bị các loại quả. Chính vì vậy, ở mỗi vùng miền lại có 5 loại quả khác nhau.
Ví dụ ở miền Bắc thường có 5 loại quả như chuối, bưởi, quýt, hồng, đào. Trong đó, nải chuối hầu như không thể thay thế, bởi nó to bè ra, để được các loại quả khác lên trên. Nải chuối có các quả bao lên như bàn tay, có ý che chở, sự sung túc, đùm bọc.
Trong khi đó, mâm ngũ quả trong miền Nam, gồm có “cầu sung vừa đủ xài”. Đây là cách nói gần âm, theo nghĩa riêng, thể hiện mong muốn của gia chủ. Năm loại quả bao gồm: Mãng cầu, dừa, quả sung, đu đủ, xoài.
Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” mà có thể nhiều hơn… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” với ý nghĩa ban đầu như trên.
Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời?
Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch, được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới.
Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới. Các cụ hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được) thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà...
Ý nghĩa các loại quả Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che. Phật thủ: Bàn tay Phật che chở cho cả gia đình. Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng. Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt. Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống. Đào: Thể hiện sự thăng tiến. Táo: Phú quý, giàu sang. Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc. Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn. Quả trứng gà: Lộc trời cho. Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc. Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy. Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn. |