Vì sao còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, đào đã nở?

Ngày 17/12/2016 09:21 AM (GMT+7)

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết Nguyên Đán nhưng tại chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) đã ngập tràn những cành đào đỏ thắm. Đây là điều khác biệt so với mọi năm.

Hai hôm nay, trời Hà Nội rét. Không khí tết đến thật gần ở những con đường gần làng đào Nhật Tân và khu chợ Quảng An bởi đào đã bung nở. Người thích chơi đào ngay từ bây giờ có thể sở hữu những cành đào đẹp với giá không quá đắt.

Khác với các năm trước, một số đào trong vườn nở sớm. Việc đào nở sớm mang lại niềm vui cho không ít người yêu thích loại hoa này.

Các chủ vườn đào cho hay, sỡ dĩ có đào nở sớm bởi hai lý do. Thứ nhất do thời tiết năm nay bất thường, nắng ấm kéo dài khiến một số cây đào bung nở sớm mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Lý do thứ 2 là một số chủ vườn đã chủ động tuốt lá, tỉa cảnh, ép đào nở sớm để phục vụ những người thích chơi đào.

Anh Hùng, người bán đào ở chợ Quảng An chia sẻ, thời điểm này chưa phải cận Tết nên đào chưa bán chạy. Tuy nhiên, mỗi ngày anh bán được khoảng 40 - 60 cành đào. Ngày rằm vừa qua, anh còn bán được hơn 100 cành. Những cành đào dịp này có giá phổ biến từ 50.000 - 100.000 đồng. Có những thân lớn quá đầu người, được người bán ra giá từ 300.000 - 500.000 đồng.

Vì sao còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, đào đã nở? - 1

Đào đã bung nở tại vườn đào Nhật Tân. Ảnh: Hà Phương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xu hướng chơi đào năm nay là đào thế, nhiều chủ vườn tập trung vào việc tạo hình những dáng đào độc, lạ như dáng “gà vàng”, dáng “phú quý”, dáng “tài lộc”. Đây là những dáng đào có sự hỗ trợ của nhiều nghệ nhân về cây cảnh trên khắp cả nước. Tại vườn đào nhà ông Nguyễn Huy Mạnh có hơn 500 gốc đào thì có đến hơn 300 gốc đào thế. Thời điểm này đào đang phát triển tốt, thời tiết thuận lợi nên đào Tết năm nay sẽ bung nụ, hoa đúng “hẹn”.

Trên thực tế, tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến hàng loạt làng nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Thủ đô bị co cụm diện tích. Do đó, nhiều chủ vườn đã có "sáng kiến" mua phôi đào rừng, đào núi về để tiết kiệm thời gian, diện tích và chi phí chăm sóc.

"Một gốc đào rừng, đường kính thân cây chừng 20cm, với cây đào truyền thống phải mất vài chục năm mới có thân cây to như vậy. Nhiều năm trở lại đây, các hộ trồng đào đã nhập đào rừng, đào núi từ các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó ghép mắt, ghép phôi đào ta, rồi tạo dáng, uốn thế... để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Công việc này mất nửa năm để có những thân đào rừng xù xì mốc thếch đơm hoa, ra nụ", ông Hiệp, một chủ vườn đã nhập hơn 100 gốc đào rừng từ đầu năm nay cho biết.

Một gốc đào núi chủ vườn nhập về giá không quá 1 triệu đồng. Sau một năm chăm sóc cấy ghép, những gốc đào rừng sẽ thành các cây đào thế cổ thụ, nếu hoa đúng vụ, bán hoặc cho thuê với giá hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, việc đi thu mua đào rừng từng mất khá nhiều công sức, chi phí vận chuyển.

Gần đây, chủ trương “đóng cửa rừng” với cả cây đào, việc vận chuyển gốc đào từ miền núi về vùng xuôi càng khó khăn. Tuy nhiên, những chủ vườn đào thâm canh lâu năm vẫn có rất nhiều gốc đào rừng từ việc thu mua và nhờ “chính sách quay vòng”: Cho thuê dịp Tết rồi đưa đào trở lại vườn khi hết Tết Nguyên đán.

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự