Ý nghĩa quả phật thủ trong ngày tết là gì mà người người nhà nhà đều muốn mua 1 trái để thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết.
Ý nghĩa của quả phật thủ trong ngày tết
Quả phật thủ giống như bàn tay phật, tượng trưng cho cao quý, phước lành
Nhiều người trưng chỉ để cho đẹp nhưng với vài gia đình thì phật thủ không thể thiếu trong mâm ngũ quả trên bàn thờ vào những ngày Tết.
Phật thủ là loại quả thuộc chi cam chanh, là giống bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng ngày nay đã trở thành loại cây trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Về giá trị dinh dưỡng, do thuộc chi cam chanh nên phật thủ chứa nhiều vitamin và khoáng chất như các loại quả cùng chi.
Theo quan niệm xưa, hình dáng như bàn tay Phật của quả phật thủ được cho rằng có thể che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an. Ngoài ra, phật thủ còn được trưng với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, sung túc, ấm no, khỏe mạnh. Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng phật thủ còn ẩn chứa 3 ý nghĩa quan trọng "phúc - lộc - thọ".
- Phúc: Phật thủ là loại quả có hình dáng đặc trưng riêng, không thể thay đổi theo ý muốn như lê, bưởi hay dưa. Với ý nghĩa có thể che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an như đã nói ở trên, nhiều người cho rằng nhìn thấy phật thủ là thấy sự ấm cúng, phúc phần trong gia đình.
- Lộc: Phật thủ chín có màu vàng óng - màu của sự hưng thịnh, giàu có.
- Thọ: Tuy thuộc chi cam chanh nhưng loại quả này lại không có múi, bên trong chỉ có cùi xốp màu trắng. Do đó, không cần chất bảo quản mà vẫn có thể tươi, giữ nguyên hình dáng trong một thời gian dài. Ngoài ra, phật thủ còn có thể dùng điều chế thành những bài thuốc chữa bệnh.
Chính vì những ý nghĩa đó, loại quả này thường được trưng trong mâm ngũ quả, đặt trên bàn thờ vào những ngày Tết.
Vào dịp Tết Nguyên đán, Phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả hoặc thắp hương tổ tiên. Quả Phật Thủ thường được đặt ở trung tâm và nơi cao nhất trong mâm ngũ quả. Theo quan niệm xưa phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.
Những quả phật thủ hình dáng càng đẹp thì lại càng được nhiều người săn lùng và có giá càng cao. (Ảnh: Internet)
Chính vì thế, vào dịp Tết đến nhà nào cũng cố gắng mua bằng được một quả phật thủ để bày cúng ông bà, tổ tiên dù giá bán của loại quả này khá cao. Mỗi quả phật thủ được bán với giá từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Nhiều người còn đặt mua cả cây, giá một cây phật thủ dao động từ 5 triệu đến 15 triệu đồng.
Những ngày này, người ta đã và đang săn lùng những quả phật thủ có hình dáng đẹp, có giá trị cao để làm quà biếu hay đơn giản là trưng bày trên mâm ngũ quả ngày Tết. Để tìm ra được một quả phật thủ với vẻ đẹp thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó ở trên phố không phải dễ. Khi chọn mua phật thủ người ta thường căn cứ vào hình dáng của quả, ngoài yêu cầu quả to, tay dài, mập, có nhiều ngón đều thì quả phải già, trơn cật, màu hơi mơ vàng. Phật thủ non cũng có màu vàng, hình dáng quả đẹp nhưng lại rất nhanh hỏng.
Cách chọn và bảo quản quả phật thủ để phát tài, phát lộc
Phật thủ được chọn để bày trên mâm ngũ quả
Khi chọn mua phật thủ người ta thường căn cứ vào hình dáng của quả, ngoài yêu cầu quả to, tay dài, mập, có nhiều ngón đều thì quả phải già, trơn cật, màu hơi mơ vàng. Phật thủ non cũng có màu vàng, hình dáng quả đẹp nhưng lại rất nhanh hỏng.
Phật thủ muốn trưng được lâu, giữ được màu đẹp thì cứ khoảng 5-7 ngày người ta lại dùng rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả. Cẩn thận hơn thì đặt lên bàn thờ, bạn có thể để một bát nước, cho thêm vài viên thuốc B1 vào, sau đó đặt cành phật thủ vào bát nước. Chỉ bằng cách đơn giản như thế này, chúng ta sẽ trưng bày được quả này trên bàn thờ gia tiên từ 4-7 tháng.
Hoặc cho cuống phật thủ vào ly có nước dâng cúng, sau 15-30 ngày cuống cây sẽ ra rễ, bộ rễ này có tác dụng hút nước nuôi quả. Nếu bảo quản chuẩn theo những cách trên, bạn có thể giữ quả Phật thủ từ 4 đến 5 tháng.