Vì sao giá rau củ quả đến tay người tiêu dùng ở TP.HCM lại tăng cao?

Hữu Huy - Ngày 02/07/2021 09:40 AM (GMT+7)

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian qua giá rau củ quả ở TP.HCM có chiều hướng tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân của câu chuyện này?

Chênh lệch nhiều so với giá ở chợ đầu mối

Theo Ban quản lý các chợ đầu mối TP.HCM, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm cung ứng cho kênh mua sắm truyền thống tại thành phố hiện nay đang có xu hướng giảm là do cầu thị trường giảm.

Cụ thể, trước tình hình các chợ tạm bị giải tỏa, một số chợ truyền thống bị phong tỏa vì liên quan ca F0, cùng với việc nhà hàng, quán ăn cũng ngưng hoạt động… khiến lượng khách đến mua sắm, giao dịch tại chợ đầu mối giảm mạnh so với trước. Mặc dù vậy, hầu hết mặt hàng ở chợ đầu mối đều ổn định giá, chỉ một số mặt hàng rau củ nhiệt đới như bầu, bí, đậu cove, khổ qua… tăng 1.000 đồng – 5.000 đồng/kg trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng, việc mua bán và cả tâm lý, thói quen tiêu dùng, giá bán nhiều mặt hàng đặc biệt là rau củ quả khi đến tay người tiêu dùng đang chênh lệch nhiều so với giá ở chợ đầu mối.

Giá rau củ quả ở chợ truyền thống và chợ lẻ ở TP.HCM tăng cao trong những ngày qua.

Giá rau củ quả ở chợ truyền thống và chợ lẻ ở TP.HCM tăng cao trong những ngày qua.

Theo Báo cáo nhanh về tình hình thị trường TP.HCM ngày 30/6 của Sở Công thương Thành phố cho thấy giá bán sỉ hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm, kể cả mặt hàng rau củ quả tại 2 chợ Bình Điền và Thủ Đức đều ổn định. Riêng các chợ truyền thống, giá rau củ quả vẫn ở mức rất cao.

Cụ thể, khổ qua và dưa leo tăng 10.000 đồng/kg (đồng giá 30.000 đồng/kg), cải xanh tăng 10.000 đồng/kg (giá bán 30.000 đồng/kg), cà chua tăng 5.000 đồng/kg (giá bán 35.000 đồng/kg), bí xanh tăng 15.000 đồng/kg (giá bán 30.000 đồng/kg),...

Theo ghi nhận vào sáng 1/7 tại chợ Bàu Cát (quận Tân Bình), giá cải xanh, cà chua, hành tây, dưa leo,… đều tăng 10.000 đồng/kg, hiện giữ giá bán khoảng 30.000 đồng/kg; giá rau muống, cải ngọt, mồng tơi tăng 5.000 đồng/kg, giữ giá bán 20.000 đồng/kg. Tại chợ Phú Lâm quận 6, giá nhiều mặt hàng rau củ quả như xà lách, bầu bí, dưa leo, khổ qua đều tăng từ 5.000 đồng – 15.000 đồng/kg.

Chị Châu Ngọc Trâm (Tiểu thương chợ Phú Lâm) chia sẻ: “Giá rau củ quả tăng không phải do nguồn cung khan hiếm mà là vì chi phí đầu vào tăng như chi phí vận chuyển tăng và chi phí bán hàng trong thời dịch bệnh tăng”.

Một sạp hàng nông sản, rau củ quả ở chợ Bình Thới (quận 11).

Một sạp hàng nông sản, rau củ quả ở chợ Bình Thới (quận 11).

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay một số chợ truyền thống ở TP.HCM phải tạm dừng hoạt động, nhưng các tiểu thương vẫn rao bán rau củ quả trên chợ online, fanpage và hội nhóm facebook và giao hàng tận nhà. Bên cạnh đó, sau khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng hoạt động, nông sản rau, củ, quả của nông dân ở huyện Hóc Môn cũng được mang lên các chợ online để kinh doanh với với giá bình ổn.

Ngoài ra, giá rau củ quả ở siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng giữ mức ở giá bình ổn. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân, mặt hàng rau củ quả tươi ở siêu thị và cửu hàng tiện lợi thường hết hàng sớm, do đó để mua rau củ quả, người dân phải có mặt từ sớm để mua.

"Do chợ tạm dừng hoạt động, hệ thống cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện ích ở gần nhà tôi thường có đông người đến mua sắm. Những ngày qua rau củ quả, thịt heo và thủy sản ở các cửa hàng thực phẩm thường hết hàng sớm. Do đó, để mua thực phẩm cho gia đình, tôi thường có mặt ở cửa hàng từ sáng sớm, vừa tránh cảnh xếp hàng, đợi thanh toán lâu, vừa để mua được thực phẩm tươi" - Chị Lê Thị Duyên (cư ngụ tại Chung cư City Gate, phường 16, quận 8, TP. HCM) chia sẻ.

Nhiều siêu thị, cửa hàng sắp được hoạt động trở lại

Theo Sở Công Thương TP,HCM, thời gian qua các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc đóng cửa chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm có ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 hoặc không bảo đảm điều kiện phòng chống dịch. Tính đến sáng 1/7, đã có 93/234 chợ trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng hoạt động. Do số điểm bán bị đóng cửa tăng nhanh, thời gian tạm ngưng hoạt động kéo dài ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cũng như tâm lý người dân, góp phần đẩy giá một số mặt hàng tăng cao.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng vừa có hướng dẫn cho phép các cửa hàng, siêu thị,… trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại ngay sau khi đã hoàn thành công tác vệ sinh khử khuẩn và bảo đảm nhân viên làm việc tại đó không có người đang trong thời gian cách ly. Theo hướng dẫn của HCDC, nhiều siêu thị, cửa hàng đang thực hiện phong tỏa do liên quan ca nhiễm COVID-19 đã đủ điều kiện mở cửa hoạt động trở lại trong ngày 1/7.

Người dân đi chợ Bình Thới, quận 11.

Người dân đi chợ Bình Thới, quận 11.

Sở Công Thương TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, đồng thời lên kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động để bù đắp một phần nguồn cung hàng hoá, đặc biệt là lương thực thực phẩm, rau củ quả.

Bên cạnh đó, Sở Công thương còn phối hợp với Sở GTVT hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép lưu thông liên tục trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện...

Đi chợ giúp hàng xóm ở khu phong tỏa: Bà con cần gì thì nhắn, chuyển khoản sau cũng được
"Bà con cần mua gì thì cứ nhắn. Bà con cứ tự cộng hàng của mình lại rồi chuyển khoản sau cũng được", anh Vinh nhắn với các cư dân ở 3 Block chung cư...

Dịch COVID-19

Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (21/11), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh gần 1 triệu đồng/lượng lên sát mốc 86 triệu đồng/lượng.

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19