Việc ghép giác mạc cho người bệnh phải tuân thủ các quy định, đặc biệt là phải đảm bảo các chỉ số hòa hợp trong cấy ghép.
Hai tuần qua, sự kiện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau đó, số lượng người đi đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não tăng rõ rệt. Thậm chí, có ngày Trung tâm Điều phối ghép mô, tạng Quốc gia tiếp nhận 100 người đến đăng ký hiến.
Hành động đẹp được lan tỏa trong cộng đồng là rất đáng khích lệ, tuy nhiên cũng đã có những câu hỏi đặt ra, đặc biệt là giác mạc của Hải An được ghép cho 2 người bệnh cao tuổi, một người 42 tuổi, một người 73 tuổi, đều quê Hưng Yên.
Giác mạc bé Hải An được ghép cho cụ bà 73 tuổi thành công.
Trả lời về vấn đề này, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương lý giải, điều kiện đầu tiên trong việc cấy ghép giác mạc là giác mạc của người cho phải có chỉ số hòa hợp với bệnh nhân được ghép để tránh hiện tượng đào thải sau ghép, gây lãng phí nguồn giác mạc. Các chỉ số giác mạc của bé Hải An phù hợp với 2 bệnh nhân đã được ghép.
Do nguồn giác mạc rất hạn chế, danh sách chờ ghép luôn cao hơn nhiều lần số giác mạc được cung cấp. Vì vậy, theo các tiêu chí của Hội đồng chuyên môn đã thống nhất, khi có giác mạc, những người hỏng cả 2 mắt sẽ được ưu tiên trước theo thứ tự đã đăng ký chờ ghép.
Sau khi ghép giác mạc được 1 tuần, cụ bà 73 tuổi đã đến thắp hương cảm ơn Hải An.
Theo đó, 2 bệnh nhân được ghép giác mạc của bé Hải An thuộc số thứ tự chờ lâu nhất trong danh sách chờ ghép. Trong khi đó, các cháu nhỏ trong danh sách chờ ghép chỉ hỏng 1 bên giác mạc.
Tính đến ngày 5/3, sau 1 tuần được ghép giác mạc hai bệnh nhân đã được xuất viện, tuy nhìn còn hơi lóa nhưng cả 2 vô cùng hạnh phúc khi đã nhìn thấy ánh sáng. Để cảm ơn và tri ân người đã hiến giác mạc, mang lại ánh sáng cho mình, chiều ngày 5/3 hai bệnh nhân được ghép giác mạc đã đến gia đình thắp hương, cảm ơn bé Nguyễn Hải An và gia đình.