Dù có cuộc sống sung túc, có người hầu kẻ hạ nhưng vì một số nguyên nhân, những phi tần trong cung thời xưa lại khó mang thai và sinh con.
Nhìn lại lịch sử phong kiến Trung Quốc, chúng ta sẽ nhận ra rằng hầu hết các phi tần trong hoàng cung đều muốn có con, đặc biệt là con trai để làm chỗ dựa cho bản thân, bởi quan niệm "mẫu dĩ tử quý" (phú quý của người mẹ đều phụ thuộc vào con cái). Chỉ cần sinh được một người con cho hoàng đế, phi tần này lập tức sẽ được chú ý, được yêu chiều thậm chí được sắc phong lên chức vị cao hơn.
Tuy nhiên, dễ thấy rằng không phải phi tần nào cũng dễ dàng có được ân sủng đó. Mỗi vị hoàng đế Trung Hoa đều có tam cung lục viện với hàng trăm mỹ nữ và phi tần nhưng chẳng mấy người có con, mang được long thai. Những tưởng được ăn sung mặc sướng, có người hầu kẻ hạ, không phải đụng tay đụng chân đến bất kỳ việc gì thì sẽ dễ mang thai và sinh con nhưng ngược lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến các phi tần thời xưa không thể có con được.
Một vị phi tần có thể mang thai hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoàng đế (Ảnh minh họa)
Thứ nhất phải nói về việc "thị tẩm" của hoàng đế. Dù hậu cung có hàng trăm phụ nữ nhưng thực tế là không phải ai cũng được nhà vua sủng ái và yêu mến. Có rất nhiều phi tần, mỹ nữ sống cả đời trong cung nhưng chưa một lần được vua chọn để "thị tẩm", một số người may mắn được phục vụ hoàng đế một lần nhưng như thế là chưa đủ để mang thai.
Ngoài ra, việc một phi tần nào đó có mang thai hay không còn tùy thuộc vào quyết định của hoàng đế. Nếu không muốn phi tần vừa được "thị tẩm" mang long thai, hoàng đế sẽ ra lệnh cho thái giám thực hiện một loạt hành động. Họ sẽ ấn vào một huyệt đạo trên mông của vị phi tần, sau đó liên tục ấn vào bụng để tinh trùng chảy ra ngoài, hạn chế cơ hội mang thai. Một số trường hợp, hoàng đế có thể ban thuốc tránh thai cho phi tần mình vừa "thị tẩm".
Lý do khiến hoàng đế phải làm vậy là để tránh những sự tranh giành trong hậu cung. Ngoài ra, một số vị phi tần được tuyển chọn vào cung là để củng cố thế lực của nhiều dòng họ. Do đó, việc họ có thai có thể khiến đứa trẻ trở thành "bù nhìn" cho thế lực đứng sau vị phi tần đó, gây ra nhiều tranh chấp, dù thế nào cũng không có lợi cho ngai vàng.
Các vị phi tần thời xưa không ngừng đấu đá chốn hậu cung để giành quyền lợi (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân thứ hai khiến các vị phi tần Trung Hoa khó mang thai là điều mà nhiều người có thể tưởng tượng ra được nhờ các bộ phim cổ trang. Đó chính là sự đấu đá lẫn nhau trong hậu cung giữa các vị phi tần, đôi khi có thể là giữa hoàng hậu với thê thiếp của vua. Vì một phi tần mang thai sẽ được hoàng đế sủng ái hơn, nếu là con trai có thể được phong làm hoàng tử, nằm trong danh sách nối ngôi vua, người mẹ cũng nhờ cậy con mà nâng vị thế của mình lên. Từ đó, những mâu thuẫn trong chốn hậu cung xảy ra. Do đó, các vị phi tần không ai muốn người kia có con. Họ sẽ dùng nhiều âm mưu thâm độc, hiểm ác để khiến đối thủ không thể mang thai hoặc sảy thai, sinh non.
Bên cạnh đó, còn có một lý do khác khiến phụ nữ trong cung thời xưa dù sinh được con cũng không thể được ở bên con hay trở thành người mẹ chính thức của đứa trẻ đó, như vậy coi như không có con. Đó là bởi nếu họ chỉ là cung nữ hoặc tiểu thiếp thì không có đủ tư cách nuôi nấng đứa trẻ. Sau khi đứa trẻ chào đời, nó sẽ được gửi cho những người có địa vị cao, không có con để nuôi dưỡng. Đứa trẻ sẽ mang họ của gia đình mới và căn bản không bao giờ gặp lại mẹ ruột của mình.
Có thể nói, cuộc sống của phụ nữ trong chế độ phong kiến thời xưa vô cùng thấp kém, phụ thuộc và chịu nhiều đau khổ. Họ không có địa vị trong xã hội "trọng nam khinh nữ", chỉ có thể dựa vào đứa con để có cơ hội đổi đời, tuy nhiên còn phải đối mặt với hàng loạt hiểm nguy, đấu đá trong chốn hoàng cung, nếu không cẩn thận có thể mất mạng lúc nào không hay.