Ngay khi Bộ Y tế đưa ra thông báo khẩn tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc, nhiều người dân hoang mang liệu có phải do chất lượng vắc xin và những trẻ đã tiêm vắc xin này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Các mẹ hoang mang khi biết vắc xin bị ngừng sử dụng
Chiều ngày 4.5, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế gửi công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành phố trên cả nước tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, sau gần 10 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin này từ tháng 12/2012 đến nay. Tuy nhiên, lý do mà Cục này đưa ra khi tạm ngừng sử dụng là "đảm bảo an toàn cho người sử dụng", chứ không giải thích nguyên nhân cụ thể.
Nhiều bà mẹ có con đã tiêm mũi 1 vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem như ngồi trên đống lửa sau khi đọc được thông tin Bộ Y tế ngừng sử dụng vắc xin này trên toàn quốc. Chị Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, sáng ngày 5.5, chị bế con gái ra trạm y tế phường tiêm theo lịch. Đến nơi, chị chìa sổ tiêm chủng đăng ký cho con tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem mũi thứ 2 theo đúng lịch thì được cán bộ y tế cho biết vắc xin này ngừng tiêm chủng trên toàn quốc để đảm bảo an toàn cho các bé. “Tôi hỏi vậy bé nhà tôi giờ phải tiêm vắc xin gì thay thế thì cán bộ y tế phường cho biết còn chờ hướng dẫn của cấp trên, cụ thể thế nào sẽ thông báo sau. Tôi thấy lo lắng quá, bé nhà tôi đã tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 chậm lại như thế có liệu có hiệu quả không? Nếu chuyển sang tiêm vắc xin khác có nguy hiểm cho bé không?”, chị Nhung lo lắng cho biết.
Cũng giống như chị Nhung, rất nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 lo lắng nếu dừng vắc xin này thì các bé sẽ có vắc xin thay thế hay không, bởi vắc xin Quinvaxem nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ. Chị Hà ở Gia Lâm, Hà Nội làm công nhân may, chồng làm xe ôm, cuộc sống của anh chị cũng phải dè sẻn lắm cũng chỉ đủ ăn tiêu. Từ khi có thêm một cô con gái, cuộc sống của anh chị càng khó khăn hơn. Chính vì thế, chị Hà đều lựa chọn tiêm các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để được tiêm miễn phí, không có điều kiện cho bé đi tiêm các mũi dịch vụ. “Con tôi đã đến lịch tiêm nhưng giờ chưa có vắc xin thay thế nên hôm qua tôi phải cho con về. Không biết bao giờ mới có vắc xin thay thế, những người không có điều kiện tiêm vắc xin dịch vụ như nhà tôi đang rất lo lắng”, chị Hà nói.
Nguyên nhân tạm ngừng sử dụng vắc xin
Được biết, từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam ghi nhận 5 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Bộ Y tế đưa ra kết luận trong 5 trường hợp này thì có 4 trường hợp tử vong không liên quan đến chất lượng vắc xin và 1 trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Vậy tại sao Bộ Y tế phải đưa ra quyết định ngừng sử dụng vắc xin và tại sao đến giờ quyế định đó mới được đưa ra mà không phải ngay tại thời điểm ghi nhận trẻ tử vong?
Nhiều mẹ có con đã tiêm mũi 1 vắc xin Quinvaxem lo lắng (Ảnh minh họa)
Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 6.5 cho biết: “Bộ Y tế đã trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế để bàn tính xem sử dụng vắc xin Quinvaxem như thế nào. WHO đã chính thức nhận điều tra các trường hợp tai biến có liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Vì vậy, Bộ Y tế quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin này đến khi có kết quả cuối cùng từ WHO để đưa ra quyết định có sử dụng lại hay không. Hiện nay WHO đã nhận được tất cả các lô vắc xin Quinvaxem đã từng gây các ca tai biến sau tiêm chủng tại Việt Nam để nghiên cứu, điều tra”.
Vắc xin Quinvaxem nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam do Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu tài trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc viện trợ với chi phí là 37 triệu USD trong vòng 5 năm (2010-2015). Từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã nhập về khoảng 13 triệu liều vắc xin Quinvaxem và đã sử dụng trên 12 triệu liều. Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem phối hợp nhiều thành phần, ngừa một lúc 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não mủ Hiv). Đây cũng là loại vắc xin có liên quan đến nhiều trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, riêng tại Hà Nội tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng miễn phí là 90%, chỉ có 10% tiêm vắc xin dịch vụ. Tỷ lệ tiêm vắc xin dịch vụ ở nội thành cao hơn một chút, chiếm 20-30%. Mỗi tháng Hà Nội tiêm khoảng 40.000 liều vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Hiện giá vắc xin 5 trong 1 dịch vụ có giá khoảng 600.000 đồng/liều/lần tiêm; vắc xin 6 trong 1 có giá 680.000 đồng/liều/lần tiêm (mỗi trẻ sẽ phải tiêm 3 mũi). |
Theo Thứ trưởng sẽ phải mất vài ba tháng để đưa ra kết luận chính thức cuối cùng sẽ dừng vĩnh viễn vắc xin Quinvaxem hay không. Và trong thời gian tạm ngừng này với những trẻ đã tiêm vắc xin này và đến lịch tiêm các mũi tiếp theo, Thứ trưởng khẳng định việc tạm ngừng tiêm trong vài tháng không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Do đó, với trường hợp trẻ đã tiêm mũi 1 vắc xin Quinvaxem có thể tạm ngừng lại, chờ hướng dẫn tiếp theo. Ngay cả trong trường hợp ngừng vĩnh viễn vắc xin Quinvaxem, trẻ phải tiêm mũi tiếp theo bằng loại vắc xin khác thì vẫn đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ. Thứ trưởng khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá, Bộ Y tế đang phối hợp với các tổ chức y tế quốc tế để sớm đưa ra kết luận cuối cùng nhanh nhất.
Chưa tìm được vắc xin thay thế
Thứ trưởng Long tiết lộ, hiện Bộ Y tế đã bàn bạc để đưa ra các phương án tiếp theo sau khi quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc. Nếu kết luận của WHO và các tổ chức y tế quốc tế khẳng định vắc xin Quinvaxem vẫn an toàn và có thể sử dụng thì sẽ tiếp tục đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu không an toàn, phải thay thế thì sẽ có các phương án như sử dụng vắc xin 3 trong 1 sản xuất trong nước. Ngoài ra, Bộ Y tế có thể đưa ra phương án trình chính phủ cho phép nhận vắc xin 5 trong 1 vô bào (loại này đang được các cơ sở y tế tiêm dịch vụ cho người dân).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cũng thừa nhận vắc xin 5 trong 1 vô bào có giá rất đắt nên Việt Nam khó có điều kiện nhập về để tiêm miễn phí cho người dân, bởi chỉ tính riêng giá nhập vắc xin vô bào này mỗi năm Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ phải bỏ ra khoảng 700-800 tỷ đồng, là một con số quá lớn.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có loại vắc xin nào kể cả vô bào hay toàn tế bào là an toàn 100%, vẫn có tỷ lệ xảy ra tai biến”, Thứ trưởng Long cho biết.