Việt Nam cảnh báo khẩn cấp ngăn virus nguy hiểm hơn SARS

Ngày 22/05/2015 18:28 PM (GMT+7)

Hôm nay, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành có cửa khẩu quốc tế cần tăng cường giám sát Hội chứng hô hấp cấp MERS xâm nhập vào Việt Nam.

3 quốc gia châu Á có người nhiễm MERS-CoV

Ngày 20/5/2015, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Corona gây Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) sau khi người này trở về từ Bahrain.

Bệnh nhân là nam giới, 68 tuổi, ở Bahrain từ ngày 18/4 đến ngày 3/5 và có tham gia công việc liên quan đến nông trại, sau đó trở về Hàn Quốc ngày 4/5 qua Qatar. Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định sau khi được điều trị triệu chứng sốt, ho.

MERS được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 2012. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 20/5/2015, trên thế giới ghi nhận 1.119 người nhiểm MERS-CoV, trong đó ít nhất 423 người tử vong. 25 quốc gia đã ghi nhận bệnh nhân MERS-CoV, trong đó khu vực Trung Đông có 9 quốc gia (Ả-rập Xê-út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô Oét, Lebenon, Jordan và Iran). Châu Âu có 9 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ). Châu Mỹ có 1 quốc gia là Mỹ. Châu Phi có 3 quốc gia (Ai Cập, Tunisia và Algeria). 

Việt Nam cảnh báo khẩn cấp ngăn virus nguy hiểm hơn SARS - 1

Hội chứng hô hấp cấp MERS nguy hiểm hơn SARS (Ảnh minh họa)

Tại châu Á, 3 quốc gia cũng đã đã ghi nhận những trường hợp nhiễm Mers CoV là Philippines và Malaysia, Hàn Quốc. Nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đáo tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Đó là một trong những lý do khiến chúng ta trở thành nước có nguy cơ cao nhiễm loại virus này.

Bộ Y tế ra công điện khẩn ngăn chặn MERS-CoV vào Việt Nam

Trước tình hình lây lan gia tăng đáng ngại về số người mắc MERS-COV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có cửa khẩu cần chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, đặc biệt có nguy cơ cao như công dân, người lao động, hành khách du lịch, tiếp xúc, làm công việc nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế cần sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có dịch; chuẩn bị sẵn các nguồn lực cho công tác phòng chống MERS – Cov.

Thứ trưởng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới mọi người dân trong cộng đồng về các biện pháp phòng chống MERS-CoV.

Các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị liên ngành tại cửa khẩu, khắc phục các tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo kịp thời, phù hợp; tập trung cao độ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV ngay tại khu vực cửa khẩu.

Chính quyền các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội huy động quần chúng nhân dân phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống MERS-CoV trên địa bàn nếu có trường hợp xâm nhập vào Việt Nam.

Việt Nam cảnh báo khẩn cấp ngăn virus nguy hiểm hơn SARS - 2

MERS bắt nguồn từ Saudi Arabia từ năm 2012

Tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo chính thức về số lượng người đến và đi từ các nước Trung Đông. Dù vậy, du khách đến Việt Nam lao động, học tập và du lịch từ các nước này không nhỏ và nhiều người Việt cũng từ các nước Trung Đông trở về nên MERS-CoV có thể vào nước ta bất cứ lúc nào.

Hội chứng hô hấp cấp MERS nguy hiểm hơn SARS

Hiện vẫn chưa có công bố chính thức khẳng định rõ nguồn gốc của virus MERS từ đâu. Ban đầu virus MERS được cho là lây từ động vật (dơi) sang người. Tuy nhiên, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà (loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông) khi một vài bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà hoặc uống sữa lạc đà tươi.

Việt Nam cảnh báo khẩn cấp ngăn virus nguy hiểm hơn SARS - 3

Bộ Nông nghiệp Saudi Arabia đã khuyến cáo những người huấn luyện lạc đà phải đeo khẩu trang và găng tay.

Dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong lên tới gần 30% trường hợp mắc bệnh. 

Các chuyên gia cho rằng tuy giống SARS là lây nhiễm từ động vật sang người và có cùng biểu hiện cúm, nhưng MERS có điểm khác là gây suy thận. Người mắc virus corona có biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau mỏi toàn thân và đi ngoài... Những biểu hiện không khác mấy so với cúm mùa thông thường, khiến nhiều người tỏ ra chủ quan. Theo các chuyên gia y tế, MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu.

Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS