Đây là ca tử vong đầu tiên liên quan đến virus MERS-CoV kể từ khi Hàn Quốc tuyên bố hết dịch cách đây hơn 3 tháng.
AFP đưa tin, một người đàn ông Hàn Quốc 66 tuổi đã qua đời do các biến chứng của Hội chứng Hô hấp cấp vùng Trung Đông MERS-CoV hôm qua 25/10. Đây là ca tử vong được ghi nhận đầu tiên ở nước này sau 3 tháng Chính phủ tuyên bố hết dịch.
Bộ Y tế Seoul cho biết người đàn ông này có xét nghiệm dương tính với virus MERS sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm tại Trung tâm y tế Samsung ở Seoul. Trung tâm y tế Samsung ở Seoul là một trong những điểm dịch lớn nhất tại Hàn Quốc trong vòng từ tháng 5 đến tháng 7.
Du khách Trung Quốc đeo khẩu trang khi mua sắm tại một trung tâm thương mại tại Hàn Quốc
Giới chức Y tế Hàn Quốc cho biết bệnh nhân này sau đó đã được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên ông vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh viêm phổi cấp tính - một biến chứng từ virút MERS và không qua khỏi.
Seoul đã tuyên bố hết dịch từ cuối tháng Bảy, nhưng đầu tháng này một nam giới 35 tuổi bị tái nhiễm MERS-CoV sau 9 ngày kể từ khi xuất viện. Người này tái nhập viện ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul hôm Chủ nhật 11/10 trong tình trạng bị sốt cao. Thông tin này đã khiến chính quyền Hàn Quốc lo lắng vì họ từng tin rằng dịch MERS-CoV đã hoàn toàn được dập tắt.
Hiện tại bệnh nhân này hiện đang được điều trị cùng 4 bệnh nhân khác đã khỏi bệnh MERS nhưng gặp phải các biến chứng khác từ MERS.
MERS xuất hiện tại Hàn Quốc vào ngày 26/5, bệnh nhân là một người đàn ông từ Trung Đông về. Trong đợt dịch này, Hàn Quốc có 36 người tử vong trong tổng số 186 người nhiễm MERS. Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố dịch MERS tại nước này đã kết thúc vào ngày 28/7.
Vi rút Mers-CoV (Ảnh minh họa)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay, tổng số người nhiễm MERS-CoV trên thế giới là gần 1.400 người tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó ít nhất 490 người đã tử vong. Các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có trường hợp nhiễm MERS-CoV gồm có: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Hiện hưa có thuốc điều trị dịch bệnh này và cũng chưa có vắc-xin để phòng ngừa dịch bệnh. Các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cũng chưa nghiên cứu ra liệu pháp chữa trị dịch bệnh nguy hiểm này. Nguy cơ tử vong từ dịch bệnh này rất cao, lên tới 40%.