Việc “đốt” vài triệu để đổi lấy sự thanh thản không phải điều gì đáng lên án. Nhưng mỗi khi châm lửa, hãy nghĩ lũ trẻ ở nhà đã có đủ đồ chơi và sách truyện để vui chơi, học hành chưa.
Vào ngày 22/2 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ra công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo nhằm loại bỏ mê tín dị đoan.
Theo đó, "đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".
Sau thông tin Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều trang mạng, diễn đàn và người dân khắp cả nước đã có những tranh luận nảy lửa về việc có nên cấm hay không cấm đốt vàng mã.
Hình ảnh người dân đốt vàng mã (Ảnh minh họa)
Không ít người đồng quan điểm nên cấm đốt vàng mã và còn hiến kế để loại bỏ hoàn toàn phong tục này vì cho rằng đó là lạc hậu, lãng phí, tốn kém.
Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm người dân đốt tới 5.000 tỷ đồng vàng mã. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn.
Chia sẻ quan điểm của mình với báo chí, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ cũng có nói: "Hiện, có bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm đó, phía không ủng hộ quy định cấm đốt vàng mã cho rằng “hàng nghìn tỷ đồng bị đốt đi” là một cách kiến giải sai lầm dành cho vàng mã. Đó không phải là hệ đo lường thích hợp cho một phong tục.
Họ dẫn chứng nơi đốt vàng mã nhiều nhất chưa bao giờ là Việt Nam. HongKong, Đài Loan, những nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Á, họ tiêu tốn cho việc đốt vàng mã lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Vậy nên đốt vàng mã không phải là nguyên nhân của cái nghèo, sự lạc hậu và lãng phí thậm chí ngược lại, là hệ quả của sự giàu có.
Đốt vàng mã nên được xem là một hoạt động tinh thần, tôn vinh phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta. Với quan điểm “trần sao âm vậy”, đốt vàng mã duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hiếu thảo với ông bà bố mẹ và sự thanh thản trong đời sống của những người đang sống.
Giữa hai luồng ý kiến như vậy thì gần đây cộng đồng mạng chia sẻ một so sánh khá thú vị của TS Nguyễn Việt Cường, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân trên trang cá nhân của mình: Bình quân một hộ gia đình nước ta chi 574.000 đồng cho cúng lễ vào năm 2012 và tăng lên 654.000 đồng vào năm 2016 (đã loại bỏ ảnh hưởng lạm phát). Nếu nhân con số này với tổng số hộ dân trên cả nước thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13 nghìn tỷ vào năm 2012 và tăng lên 16 nghìn tỷ đồng năm 2016.
Và con số chi tiêu cho đồ cúng này cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em (không bao gồm sách giáo khoa).
Số liệu so sánh số tiền tổng các hộ gia đình chi tiêu cho cúng lễ và chi tiêu cho sách truyện, đồ chơi của trẻ em (Ảnh từ facebook TS. Nguyễn Việt Cường)
Theo báo cáo Nghèo đa chiều trẻ em của UNICEF thì 20% trẻ em Việt Nam dưới 15 tuổi chưa có đồ chơi và hơn 50% trẻ em 0-4 tuổi không có truyện tranh. UNICEF cũng cho biết, sách truyện và đồ chơi được cho là đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tín ngưỡng là quan trọng, bạn có thể có tiền, và việc “đốt” vài triệu để đổi lấy sự thanh thản không phải điều gì đáng lên án. Nhưng mỗi khi châm lửa, hãy nghĩ điều mình đang làm là gì, làm điều đó vì điều gì, và lũ trẻ ở nhà đã có đủ đồ chơi và sách truyện để vui chơi và học hành chưa.