Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, cũng giống như bỏ đốt pháo, muốn bỏ đốt vàng mã thì cần phải có những quy định mang tính cưỡng chế, lúc đó người dân mới chấp hành nghiêm chỉnh.
Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn số 31 đề nghị Chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Phó ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trên tinh thần của Phật giáo, Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố. Tục đốt vàng mã cũng không phải của Việt Nam”.
Theo đó, phong tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào trước thế kỷ thứ 6, các vua chúa qua đời thường chôn theo người thân cận, kẻ hầu, của cải và vật dụng sử dụng thường ngày. Về sau, người ta nghĩ ra cách tạo hình nhân thế mạng và làm đồ giả như vàng, ngân xuyến,... đốt gửi xuống âm phủ. Dần dần tục đốt vàng mã lan sang Việt Nam và được người dân coi là tín ngưỡng văn hoá.
Phong tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Khi xã hội phát triển, tín ngưỡng đốt vàng mã cúng tổ tiên “bỗng nhiên” bị thay đổi theo tâm lý con người. Cụ thể, nhà này thấy nhà kia đốt vàng mã to hơn, nhiều hơn (nhà, xe, tiền vàng, ...) liền nảy sinh tính ganh tị, muốn bằng họ nên cũng cố gắng sắm vàng mã gửi xuống ông bà. Bởi họ nghĩ rằng thông qua việc đốt vàng mã thì tổ tiên sẽ nhận và sử dụng ở thế giới bên kia. Từ đó đã đẩy tín ngưỡng dân gian thành mê tín dị đoan.
“Thay vì đốt vàng mã cúng tổ tiên, tôi nghĩ chúng ta nên đi chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức và dâng thanh bông hoa trái. Bên cạnh đó, hãy dành số tiền mua vàng mã để làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó vì Phật có câu “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ””, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói.
"Cần có quy định mang tính… cưỡng chế”
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, công văn bỏ tục đốt vàng mã chỉ có tác dụng giáo dục một phần đối với các Phật tử hiểu rằng tục đốt vàng mã không phải chính pháp, còn muốn ngăn chặn trong dân thì không thể.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng (Ảnh: Thiên Thanh)
“Trước kia, đốt pháo được coi là phong tục của người Việt trong các dịp Tết, lễ hội lớn. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị Cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nhờ đó, dân ta ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
Tôi nghĩ trong vấn đề bỏ đốt vàng mã cũng vậy và chỉ Nhà nước mới đủ năng lực”, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhấn mạnh.
Cụ thể, Nhà nước cần cấm các cơ sở sản xuất vàng mã bởi đó là văn hoá phẩm, nghệ phẩm tạo nguy cơ cho đời sống. Hơn nữa muốn hạn chế sản xuất vàng mã cần đánh thuế cao và có các chế tài mang tính răn đe, cưỡng chế.
Cũng trước công văn số 31 của Hội Phật giáo, Ông Tô Văn Động – GĐ Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội (VH-TT Hà Nội) cho biết hoàn toàn ủng hộ quyết định trên. Đồng thời trong chiều ngày 23/2, ông Động đã ký công văn gửi các cơ quan ban ngành về quyết định bỏ đốt vàng mã.
Theo đó, thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục đi kiểm tra, giám sát và nhắc nhở Ban quản lý các di tích, Ban quản lý lễ hội phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL, tuyên truyền, vận động người dân đi lễ văn minh, đốt vàng mã đúng nơi quy định, không đổi tiền lẻ. Sở VH-TT Hà Nội cũng tăng cường truyên truyền các Quy tắc ứng xử văn minh tại lễ hội, hướng dẫn người dự hội có hành vi đẹp.
GĐ Sở VH - TT Hà Nội cho biết thêm tục đốt vàng mã có từ lâu, ăn sâu vào tâm thức người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường,....