Do được hưởng gen của người bố, em bé sinh ra có kích thước lớn đã khiến người mẹ chịu nhiều vất vả trong lúc sinh con.
Cô Sharmin Brunell, 21 tuổi, sống tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, đã kết hôn với anh Graham. Tuy nhiên, cặp vợ chồng này có một sự chênh lệch chiều cao vô cùng lớn. Trong khi cô Sharmin chỉ cao 1m55 thì anh Graham cao tới 1m92. Chính sự chênh lệch chiều cao này đã gây nên một tình huống dở khóc dở cười.
Cô Sharmin kể lại rằng hơn 2 năm trước, cô đã hạ sinh cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Amare. Có người bố cao tới 1m92 nên không có gì khó hiểu khi bé trai Amare được thừa hưởng gen chiều cao từ bố. Bé Amare có kích thước lớn hơn nhiều so với trẻ sơ sinh trung bình, vì vậy đã khiến cô Sharmin gặp phải biến chứng lúc sinh con.
Được biết, cô Sharmin đã bị gãy xương cụt trong lúc hạ sinh con trai. Tuy biến chứng này không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nó đã khiến cô Sharmin phải chịu những cơn đau dữ dội kéo dài đến tận hơn 2 năm sau khi sinh con. Cô Sharmin rất sốc vì không bao giờ nghĩ mình có thể gặp phải tai nạn này.
Thế nhưng bù lại, cô Sharmin và anh Graham đã chào đón một cậu con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh. Bé Amare cao tới 56 cm, cao hơn khá nhiều so với những em bé sơ sinh khác, gần bằng chiều dài trung bình của một em bé 3 tháng tuổi. Cô Sharmin cho biết con trai mình không thể mặc vừa đồ sơ sinh mà phải mặc quần áo của trẻ 3-6 tháng tuổi. Giờ đây, khi đã 2 tuổi, bé Amare cũng phải mặc quần áo của trẻ 5 tuổi mới vừa.
Cô Sharmin chia sẻ trên mạng xã hội TikTok: "Tôi chỉ cao 1m55 và kết hôn với người chồng cao 1m92, sự chênh lệch chiều cao của chúng tôi thật đáng yêu. Tôi đã bị gãy xương cụt khi hạ sinh con trai đầu lòng". Đoạn clip này đã thu hút gần 6 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn.
Cô Sharmin cho biết ngoài việc con trai Amare có kích thước lớn, cô tin rằng tư thế sinh của mình cũng góp phần vào việc gãy xương cụt: "Tôi nằm ngửa khi sinh con và bây giờ tôi mới biết đó là một tư thế không tốt khi chuyển dạ. Tuy nhiên, các bác sĩ luôn yêu cầu sinh con ở tư thế này để thuận tiện nhất. Tôi đã bị đau hơn 2 năm sau khi sinh con, đến nỗi tôi sợ gãy xương cụt lần nữa hơn cả sợ sinh con tự nhiên".
Theo Deena Blumenfeld, một nhà giáo dục sinh sản thuộc Đại học Giáo dục Sinh sản Hoa Kỳ (FACCE) cho biết, việc đau xương cụt không phải hiếm gặp trong và sau khi sinh con, càng dễ xảy ra hơn với những người từng bị gãy xương cụt hoặc mang thai lớn. Bà cũng cho biết thêm rằng những sản phụ có nguy cơ gãy xương cụt không nên nằm ngửa khi rặn đẻ, thay vào đó có thể sinh con ở tư thế đứng thẳng, ngồi xổm hoặc đứng nghiêng về phía trước, cùng với sự giúp đỡ của y bác sĩ.