Gần 60 năm qua, hai vợ chồng bà Hoa không biết đã nuôi bao nhiêu thế hệ học trò ăn ở miễn phí, nhiều người thành đạt quay về biếu tiền nhưng ông bà quyết không nhận.
Câu chuyện về cặp vợ chồng già ở xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) sẵn sàng cho các học sinh ăn, ở miễn phí tại chính ngôi nhà của mình được nhiều thế hệ học trò truyền tai và người dân huyện Thanh Sơn dường như ai cũng biết.
Hai vợ chồng đặc biệt này là ông Đinh Xuân Diễn và bà Hà Thị Hoa, năm nay dù tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn nhận những học sinh xa nhà đến ở trọ, nuôi ăn ở miễn phí. Bà Hoa chia sẻ việc làm này ông bà đã thực hiện được gần 60 năm nay và sẽ làm đến bao giờ không còn sức nữa mới thôi. “Giờ các cháu không đến ở, thiếu đi tiếng nói cười của các cháu chúng tôi nhớ lắm, nhớ khéo phát ốm mất ấy”, bà Hoa vui vẻ nói.
Vợ chồng ông Diễn, bà Hoa dành cả thanh xuân để nấu cơm cho học sinh ở trọ.
Theo lời kể của người phụ nữ này, gần 60 năm trước xã Văn Miếu còn nghèo xác xơ, người dân đói kém chỉ lo kiếm miếng ăn, chứ không ai quan tâm đến việc học hành. Khi đó, những gia đình cho con đi học đa số phải trải qua quãng đường rất xa, vượt qua đồi núi trập trùng, mất nửa ngày mới đến trường, vì thế nhiều học sinh phải tìm nhà trọ gần trường để tiện cho việc hành.
Bà Hoa tiết lộ, cũng chính từ ngôi nhà trọ đầy ắp tiếng cười này mà bà và ông Diễn đã nên duyên vợ chồng. "Ngày ấy tôi vẫn còn đi học, lớp tôi có một số bạn ở trọ nhà ông Diễn, qua vài lần đến chơi tôi thấy mọi người ở trọ tại đây vui vẻ, thoải mái như ở chính gia đình mình nên thường xuyên lui tới. Sau này, khi ông Diễn ngỏ lời, tôi đã đồng ý làm vợ ông ấy”, bà Hoa kể lại kỷ niệm xưa.
Gần 60 năm cho học sinh ở trọ không lấy tiền, mục đích chỉ để cho vui cửa, vui nhà nhưng có những thời điểm ông bà cũng phải “mang ơn” chính những cháu học sinh ở trọ. Gia đình bà Hoa trước đây cũng nghèo khó, nhất là thời điểm hai vợ chồng mới lấy nhau rồi sinh con. Khi đó, chính các cháu học sinh đã giúp ông bà rất nhiều trong việc trông nom, kèm cặp các con học hành.
Những em học sinh ở trọ cùng gia đình không phải mất tiền trọ, được ông bà nấu cơm cho ăn hàng ngày.
“Khi đó con còn nhỏ, các học sinh ở đây thay nhau bế, rồi lớn lên các cháu lại hướng dẫn học tập. Còn vợ chồng tôi khi đó phải đi làm nương rẫy, đi bẻ măng, mót sắn… tối về gia đình có gì gọi các cháu xuống ăn cùng. Dù các cháu là người ở trọ nhưng tình cảm của chúng tôi như một gia đình, cứ như vậy từ thế hệ học sinh này sang thế hệ học sinh khác”, bà Hoa cho hay.
Ngồi bên cạnh vợ, ông Diễn tiếp lời, gia đình ông đã từng tiếp nhận 2, 3 thế hệ trong một gia đình đến ở trọ. Gia đoạn đầu là ông bà ở trọ, sau đó đến bố mẹ, rồi bây giờ là các con cháu cũng đến nhà ông ở để tiện cho việc học hành.
Thực phẩm được ông Diễn chuẩn bị cẩn thận trước khi nấu nướng.
Hiện nay dù kinh tế phát triển, các cháu đi học bằng xe điện, xe máy nhưng nhiều gia đình vì tin tưởng, vì muốn an toàn cho con, vì muốn con dành nhiều thời gian học tập nên vẫn cho con ở trọ gần trường.
Cách đây khoảng 10 năm trước, gia đình ông Diễn phá ngôi nhà cũ đi, xây lại ngôi nhà mới, lúc đó nhiều người nghĩ rằng do tuổi cao nên ông sẽ không nhận học sinh ở nữa. Thế nhưng vợ chồng ông không nghĩ vậy, hai ông bà vẫn dành riêng một gian cho các cháu đến ở trọ. Ông bà muốn sửa sang nơi ở trọ tốt hơn, ở đó phải có quạt, điều hòa, giường chiếu, tủ sách để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập.
Nhiều người khi thấy điều kiện ăn ở tốt, ngỏ ý muốn hỗ trợ chi phí cho hai vợ chồng già, nhưng ông Diễn gạt đi: “Tôi không lấy khoản nào của các cháu, có người ép tôi lấy tiền nhưng tôi không nhận”. Có người thấy vậy đã góp gạo, thức ăn cho các cháu, khi đó ông Diễn miễn cưỡng nhận vì không thể từ chối được.
Sau mỗi buổi nấu cơm, ông Diễn lau dọn sạch sẽ khu bếp của mình.
Có gạo, có chút thức ăn được góp nhưng vợ chồng ông Diễn hàng ngày vẫn đi chợ mua thêm thức ăn tươi, tự tay chế biến những món ăn cho học sinh thuê trọ, rồi đến bữa cả chủ trọ và người thuê trọ lại cùng nhau sum vầy bên mâm cơm.
Bà Hoa cho biết, hai ông bà tuy tuổi cao nhưng vẫn còn sức khỏe, vì thế sẽ dành thời gian để chăm sóc các cháu ở trọ như chăm sóc con cháu của mình, để các cháu có nhiều thời gian tập trung vào việc học.
Vừa sơ chế thức ăn để chuẩn bị cho bữa cơm trưa, ông Diễn vừa kể lịch sinh hoạt hàng ngày của ông bao năm nay vẫn vậy, cứ 8h sáng đi chợ mua thức ăn, về chuẩn bị nấu cơm đợi các cháu đi học về dùng bữa. Rồi nghỉ trưa, 3 giờ chiều lại đi chợ, về nấu cơm và ăn bữa tối.
Đặc biệt, mỗi ngày ông Diễn nghĩ ra những thực đơn mới cho bữa ăn, nấu vừa đủ để không bị thừa. “Mỗi ngày trôi qua tôi lại phải nghĩ xem đổi món gì cho các cháu ăn cho đủ chất, không bị ngán và nấu làm sao cho các cháu ăn ngon miệng nhất", ông Diễn nói.
Sau mỗi buổi đi học về, học sinh thuê trọ và gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng.
Trong căn phòng nhỏ, 3 nữ sinh lớp 11 đang ở trọ nhà ông Diễn bày tỏ quá trình sinh sống tại đây các em không coi là nhà trọ mà coi đó là gia đình mình và coi hai vợ chồng ông Diễn là ông bà mình.
"Khi mới đến ở, dù đã được nghe nhiều người nói về “Ký túc xá ông Diễn” nhưng em vẫn bỡ ngỡ, lo lắng vì sợ rằng không biết mình đến ở sẽ ra sao. Rồi từ những ngày đầu tiên em ở, được ông bà chỉ bảo từng chút một, bất ngờ hơn là được ăn cơm ông bà nấu, chúng em thấy hạnh phúc vô cùng", một bạn học sinh chia sẻ.
Từ ngôi nhà trọ này, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, có những người thành đạt đi làm ăn xa, nhưng mỗi khi trở về quê hương, trở về mái trường xưa họ không quên trở lại ngôi nhà trọ thân yêu này. Chính điều đó là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng ông Điệp, bà Hoa nhân lên sự tử tế hàng ngày và sẽ tiếp tục với các thế hệ học sinh mới.