Ngày nào anh Khôi cũng gọi mấy chục cuộc điện thoại, rồi mỗi khi nhớ vợ con lại chạy ra nhìn về phía căn nhà từ hàng rào cách ly.
Đã 6 ngày trôi qua, người dân ở phố Trúc Bạch phải sống trong cảnh cách ly để đề phòng dịch bệnh COVID-19. Ngày 6/3, sau khi xác định ca nhiễm COVID-19 thứ 17 ở Việt Nam và đầu tiên ở Hà Nội tại phố Trúc Bạch, chính quyền địa phương đã phong tỏa con phố này.
Suốt 6 ngày qua, người dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mọi đồ dùng, thực phẩm đều được chính quyền chu cấp. Dù bị phong tỏa, cuộc sống có chút xáo trộn nhưng nhiều người vẫn rất vui vẻ vì họ cho rằng đây là việc làm vì cộng đồng, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh.
Tại các nút giao và ngã 3, ngã tư từ Trúc Bạch - Châu Long, Trúc Bạch - Ngũ Xá, lực lượng công an, dân phòng túc trực 24/24. Đồng thời lập hàng rào sắt cùng băng rôn ghi rõ khu vực cách ly để ngăn mọi người qua lại.
Phố Trúc Bạch được cách ly đã 6 ngày và chưa phát hiện thêm ca bệnh mới.
Cô Hoa (sống trong khu vực cách ly) cho biết cả gia đình cô đồng ý việc cách ly dù gia đình không hề tiếp xúc với ca lây nhiễm. Trong suốt những ngày vừa qua, lương thực và thực phẩm được cung cấp tận nơi và rất tươi ngon. “Điều duy nhất tôi cảm thấy hơi bất tiện đó là có người thân bị ốm cũng không được đi thăm. Nhưng tôi vẫn ủng hộ việc làm này vì làm chặt như vậy sẽ tốt cho cả cộng đồng”, cô Hoa chia sẻ.
Chị Vũ Thị Thu Trang (28 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngay buổi tối hôm bị cách ly bản thân chị và gia đình cảm thấy hoang mang. Sau đó, mọi người động viên tinh thần nên đã bớt lo lắng hơn. Đặc biệt, từ ngày bị cách ly mọi người khử khuẩn liên tục, cung cấp đủ thực phẩm đầy đủ nên yên tâm hơn. “Mỗi ngày mọi người được kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ 2 lần và phân phát thực phẩm rất đầy đủ nên mọi người cảm thấy rất yên tâm. Chúng tôi tự nguyện và sẵn sàng cách ly để tránh việc lây nhiễm bệnh ra cộng đồng”, chị Trang cho biết.
Lương thực, thực phẩm được vận chuyển đến để phục vụ người dân cách ly tại phố Trúc Bạch.
Trong số 22 hộ dân đang phải cách ly trên phố Trúc Bạch, có lẽ gia đình anh Đỗ Ngọc Khôi là đặc biệt hơn cả. Hàng ngày, anh Khôi phải nhìn và nói chuyện với vợ con qua màn hình điện thoại. Dù rất nhớ vợ con nhưng chưa hết thời gian cách ly nên chưa được gặp mặt.
Theo chia sẻ của anh Khôi, ngày khu phố bị cách ly (6/3) đúng lúc anh đang đi công tác xa nhà, chỉ có vợ con ở nhà nên vợ con bị cách ly còn anh thì không.
“Nghe vợ nói bị cách ly tôi còn không dám tin. Khi về tới nơi thấy rào chắn khắp nơi thì mới tin đó là sự thật. Hàng ngày tôi phải sống ở cơ quan, chỉ hỏi thăm vợ con qua điện thoại.
Ngày nào tôi cũng gọi mấy chục cuộc điện thoại để hỏi thăm vợ con. Rồi mỗi khi xong việc lại chạy ra hàng rào cách ly nhìn về phía ngôi nhà mình. Dù được cung cấp thực phẩm, nhưng vợ con ở trong đó cần gì tôi vẫn mua gửi vào”, anh Khôi chia sẻ.
Hàng ngày anh Khôi chỉ biết hướng mắt nhìn về phía gia đình nhỏ của mình.
Anh Khôi cho biết, hiện vợ và con anh tâm lý rất thoải mái, đồng tình với chính quyền việc cách ly trong nhà. “Cách ly thế này cũng tốt, an toàn cho bản thân nhà mình và cho cả những người xung quanh. Tôi chấp nhận việc xa vợ con 14 ngày cũng không sao, miễn là được an toàn", anh Khôi nói.
Ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc cách ly những hộ dân ở phường Trúc Bạch chắc chắn sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định đối với người dân. “Qua trao đổi người dân chia sẻ rằng chưa bao giờ cảm thấy phố Trúc Bạch thanh bình đến như vậy. Điều chúng tôi khá bất ngờ là nhiều người nói rằng ở trong khu cách ly này còn an toàn hơn ở ngoài”, ông Huy chia sẻ.