Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và con, người chồng quyết muốn vợ sinh thường, nào ngờ gây ra hậu quả.
Năm 35 tuổi, cô Liu Hongqiong sống tại thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam, tuy kết hôn lần 2 nhưng may mắn mối quan hệ vợ chồng luôn hòa thuận. Không lâu sau khi kết hôn, cô Liu mang thai nhưng lại phát hiện bị ra máu, vì vậy phải nằm viện để dưỡng thai khoảng 1 tháng rưỡi, cuối cùng vẫn giữ được đứa con. Tới tháng 3/2019, cô Liu nhập viện để chuẩn bị sinh con nhưng do thai nhi trong bụng quá lớn, bản thân cô Liu lại gầy yếu nên bác sĩ đã đề nghị tính đến phương pháp sinh mổ.
Không thể ngờ, khi bác sĩ hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình, chồng của cô Liu lại cho rằng việc sinh mổ sẽ gây hại cho cả mẹ và con, nhất quyết muốn để vợ sinh thường. Sau nhiều khó khăn và đau đớn, cô Liu đã hạ sinh cậu con trai nặng 4,63 kg, đặt tên là Luteng.
Thế nhưng sau đó, khi đang chăm sóc con trong bệnh viện, cô Liu lại phát hiện đầu đứa con rất mềm, giống như bên trong có chứa nước nên đã sốt sắng đi hỏi bác sĩ. Lúc đó, bác sĩ giải thích rằng đây là hiện tượng bình thường do sản đạo chèn ép đầu đứa trẻ lúc sinh ra, sau này sẽ dần biến mất. Nghe bác sĩ nói, cô Liu mới cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khoảng 1 tháng sau đó, đầu của bé Luting đã trở lại bình thường. Không lâu sau, vì công việc của chồng, cô Liu phải đem con trai tới Giang Tô sinh sống.
Để thuận tiện cho công việc, gia đình cô Liu phải thuê một căn nhà trọ ở Giang Tô, người chồng ngày ngày đi làm ở nhà máy còn cô Liu ở nhà chăm sóc con. Nhưng khi mới sống tại đây được một thời gian ngắn, bé Luting quấy khóc ầm ĩ, dỗ thế nào cũng không được, ngoài ra còn bị sốt, nôn ói và tiêu chảy. Nhìn con trai đau ốm, cô Liu vô cùng sốt sắng, lập tức đưa đi khám. Sau nhiều lần chuyển viện, bé Luting đã được đưa tới bệnh viện nhi ở Thượng Hải.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé Luting đã nhiễm virus adeno, cần phải nhập viện ngay. Số tiền tiết kiệm của vợ chồng cô Liu vì thế mà bay sạch, thậm chí còn phải vay thêm 30.000 nhân dân tệ (gần 107 triệu đồng). Chỉ trong 18 ngày nằm viện, bé Luting đã tiêu tốn 80.000 nhân dân tệ (gần 285 triệu đồng).
Tưởng rằng mọi chuyện như vậy là kết thúc nhưng đến năm bé Luting 1 tuổi, cô Liu tiếp tục nhận thấy tay phải và chân phải của con mình không được linh hoạt, dường như không có sức lực. Những trải nghiệm cũ khiến cô Liu càng thêm lo lắng nên đã nhanh chóng đưa con vào bệnh viện Côn Minh, tỉnh Vân Nam, để thăm khám. Thật không ngờ, bác sĩ chẩn đoán rằng bé Luting đã bị liệt nửa người và teo tiểu não.
"Đứa trẻ lúc sinh ra đã bị sản đạo chèn ép não và huyết áp chèn dây thần kinh, bây giờ không thể phẫu thuật được nữa, chỉ có thể điều trị từ từ bằng cách đào tạo phục hồi chức năng", lời nói của bác sĩ như sét đánh ngang tai cô Liu. Cô không thể ngờ việc sinh con bằng phương pháp thường lại gây ra hậu quả nặng nề đến vậy.
"Lúc đó, nếu tôi sinh mổ thay vì sinh thường, liệu con tôi có khỏe mạnh bình thường được không?", cô Liu tự chất vấn và dằn vặt bản thân nhưng vô ích. Giờ đây, cô không còn cách nào khác là nghe theo lời bác sĩ, tiến hành phục hồi chức năng cho con trai với hy vọng sẽ có kỳ tích xảy ra.
Sau 2 tháng cho con trai đi phục hồi chức năng, không những số tiền trong nhà cô Liu tiêu hết mà tình trạng của bé Luting cũng không khá hơn là bao. Thân phải của cậu bé không linh hoạt, khó giao tiếp, luôn muốn được mẹ bế. Bác sĩ nói rằng việc phục hồi chức năng là quá trình rất dài, cần kiên trì, nhưng giờ đây tình hình tài chính của gia đình cô Liu đã không cho phép nữa. May thay đúng lúc đó, cô Liu biết được một trung tâm phục hồi chức năng có chính sách trợ cấp.
Như nắm được sợi dây hy vọng, tháng 6/2020, cô Liu đưa con trai trở lại thành phố Khúc Tĩnh, thuê một căn phòng nhỏ bên ngoài bệnh viện, sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài. Mỗi ngày, cô đều đưa con tới phòng phục hồi chức năng để thực hiện đủ mọi bài tập. May thay, quá trình này đã có kết quả khi tình trạng của bé Luting dần cải thiện.
Giờ đây, bé Luting đã có thể tự đi được vài bước và nói được nhiều hơn. Cô Liu cũng cố gắng trò chuyện với con trai mỗi ngày. Đối với những đứa trẻ khác chỉ cần nói một lần thì đối với Luting phải nói 10 lần, 20 lần, thế nhưng cô Liu nhất định không bỏ cuộc.
Mỗi ngày, cô Liu đều dậy lúc 6h30 sáng để nấu ăn, sau đó gọi con trai dậy để xoa bóp tay phải và chân phải trong khoảng 1h, tắm rửa và ăn uống rồi đến trung tâm phục hồi chức năng lúc 8h40. Sau khi kết thúc lớp học vào lúc 5h chiều, 2 mẹ con trở về nhà ăn uống. Cô Liu đưa con trai đi dạo ngoài trời, sau đó về nhà xoa bóp chân tay lần nữa, tắm rửa rồi đi ngủ. Lúc con trai ngủ rồi, cô Liu lại tất bật với những công việc trong nhà, không bao giờ có ngày nghỉ.
"Tôi không sợ khó khăn hay mệt mỏi, tôi chỉ sợ không nhìn thấy hy vọng. Chỉ cần con trai tôi tiến bộ một chút, tôi cảm thấy rằng mọi khó khăn đều xứng đáng", cô Liu chia sẻ.