Khi biết tin chồng xung phong đi chống dịch, vợ bác sĩ Chung cũng rất mong ra tâm dịch Bắc Giang nhưng do điều kiện không cho phép nên đành giấu nước mắt vào trong ở nhà đợi ngày chồng chiến thắng dịch bệnh trở về.
Ngày 2/6, đoàn bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng bao gồm 6 y bác sĩ mang theo kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết của mình để đến tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ điều trị, dập dịch COVID-19.
Cả đoàn lựa chọn cách di chuyển bằng ô tô để chủ động đi vào tâm dịch, đỡ phải người đưa đón. Sáng ngày 3/6, đoàn bác sĩ Bệnh viện C đã có mặt tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.
Ngay khi có mặt tại bệnh viện, các bác sĩ cùng đồng nghiệp ở những cơ sở y tế khác nhanh chóng tiếp nhận điều trị ca bệnh nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc, đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.
Gia đình bác sĩ Chung thể hiện sự quyết tâm trước khi ra Bắc Giang chống dịch. Ảnh: Ngọc Mai/Bộ Y tế.
Bác sĩ Phan Văn Chung Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết khi nhận nhiệm vụ ra Bắc Giang hỗ trợ chống dịch, gia đình và nhất là vợ anh là người đồng ý đầu tiên. Thậm chí, bà xã anh còn tiếc nuối vì không thể cùng chồng ra Bắc Gian g chống dịch.
Bác sĩ Chung chia sẻ, hai vợ chồng anh đều công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng, khi biết tin chồng xung phong lên đường chi viện tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19, ban đầu vợ anh có chút lo lắng vì chồng đến nơi hoàn toàn xa lạ. “Cô ấy cũng đã có ý định đăng ký vào đoàn chi viện lần này, nhưng vì còn 2 con nhỏ nên đành giấu nước mắt vào trong và động viên chồng lên đường với tâm thế quyết thắng.
Thực sự, vì hai vợ chồng làm cùng ngành và Đà Nẵng cũng từng là tâm dịch nên bà xã tôi hiểu rõ được trách nhiệm, và sự cần thiết của những đoàn chi viện cho Bắc Giang lúc này”, bác sĩ Chung tâm sự.
Bác sĩ Chung trước và sau khi xuống tóc để đi vào tâm dịch. Ảnh: Ngọc Mai/Bộ Y tế.
Để chuẩn bị cho chuyến đi chưa hẹn ngày về này, bác sĩ Chung cùng 3 đồng nghiệp khác đã quyết định cạo trọc đầu cho đỡ nóng và vướng víu khi phải mặc bộ đồ bảo hộ.
“Trước khi lên đường, mấy anh em quyết định cạo trọc đầu cho đỡ nóng và vướng víu khi phải mặc bộ đồ bảo hộ, đồng thời cũng an toàn hơn, tránh bị lây nhiễm COVID-19 khi làm việc lâu dài cùng bệnh nhân nặng.
Đoàn còn 2 bạn chưa “xuống tóc" vì muốn giữ quả đầu đẹp thêm vài ngày nữa. Riêng tôi, lúc đó xuống tóc không có nghĩ đẹp xấu mà chỉ nghĩ thuận lợi nhất khi vào phòng bệnh, xong nhiệm vụ trở về rồi lại đẹp sau cũng được. Nhưng rồi soi gương thấy tóc mới này cũng đẹp, lại được thêm bà xã khen: Ngầu!”, bác sĩ Chung chia sẻ.
Là người đã từng sống và làm việc trong tâm dịch nên bác sĩ Chung hiểu được những khó khăn, vất vả của đồng nghiệp. Ảnh: Ngọc Mai/Bộ Y tế.
Đà Nẵng nói chung và Bệnh viện C nói riêng từng là tâm dịch của cả nước nên những người như bác sĩ Chung hiểu được sự phức tạp và khó khăn của đợt dịch lần này. Chính điều đó đã thôi thúc anh và các đồng nghiệp sớm được lên đường góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch.
“Lần đầu đến Bắc Giang, môi trường mới cũng khiến chúng tôi có phút bỡ ngỡ. Nhưng sau đó gặp được nhiều anh em đồng nghiệp từ các tỉnh thành đã đến chi viện nên tinh thần cũng ổn định và không lo lắng gì.
Với kiến thức, cũng như kinh nghiệm chống dịch tại Đà Nẵng, chúng tôi sẽ cố gắng góp phần công sức để Bắc Giang sớm chiến thắng dịch", bác sĩ Chung thể hiện quyết tâm.