“Có khi nào người ta không trả lại tiền cho chị không em? Còn nếu nhận được tiền thì mừng lắm chứ. Nhưng chị cũng phải lờm, không lờm (làm – PV) tiền chất núi cũng hết”, giọng Quảng Ngãi đặc sệt, chị Ánh Hồng - người nhặt được 5 triệu Yên chia sẻ.
Vụ 5 triệu yen: Chị ve chai gửi đơn khiếu nại
Vụ 5 triệu Yen: Chị ve chai sẽ khiếu nại Công an quận Tân Bình
Nhiều người đến hỏi thăm
Chiều 18.5, chúng tôi gọi điện hẹn gặp chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi), người mua chiếc loa thùng cũ bên trong có 5 triệu Yên hơn một năm trước, khi chị mua ve chai ở đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP.HCM.
Trong thời gian chờ công an xác minh để nhận lại 5 triệu Yên, chị Hồng vẫn hằng ngày đi mua ve chai để mưu sinh.
Chúng tôi chạy thẳng vào chợ Trần Văn Quang như chị chỉ. Đến nơi, chị nói: “Em ơi, chị đang mua giấy tại con hẻm thứ 2 trên chợ, ngay chỗ người ta bán dưa và có cửa hàng gạo đó”. Chạy đến con hẻm, cách nơi tôi đứng ban đầu khoảng chục căn nhà, chị đang khuân xấp giấy thùng carton bỏ lên chiếc xe đẩy. Thấy tôi, chị vẫy tay nói lớn: “Chị ở đây!”.
Giữa cái nắng chiều gay gắt của trời Sài Gòn, chị lấy tay lau vội giọt mồ hồi đang chảy mướt mát trên trán. Đội nón, kết gọn mái tóc, chị đẩy chiếc xe chở ve chai sát vào lề đường rồi vội cầm chai nước uống ừng ực. Trông chị có vẻ gầy hơn so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng tôi gặp. Tôi hỏi, chị đáp: “Ai gặp cũng kêu chị ốm. Cũng phải thôi, tâm trạng mấy nay không tốt em à. Chị chờ đợi, hy vọng hơn 1 năm nay để được nhận 5 triệu Yên trong chiếc loa thùng cũ, nhưng đến giờ vẫn chưa được nhận. Buồn lắm chứ”.
Chị Hồng vất vả mưu sinh dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn
Vừa dứt lời, chị vội dỡ đống giấy mua được chất cao hơn người trên chiếc xe đẩy. Nhìn thấy chị Hồng, người phụ nữ bán tạp hóa gần đó nói vọng lại: “Có giấy này em”. Chị Hồng đáp: “Dạ em tới liền”. Chân bước nhanh tới tiệm tạp hóa, tay gấp đống giấy gọn lại và đặt lên bàn cân. Chị ve chai nói giọng Quảng Ngãi: “3kg, 15 ngoàn nhoa (ngàn nha- PV) chị”.
“Nó mua bán thành thật, có duyên và hiền lành nên ở khu này ai cũng quý để mối ve chai cho nó. Mới hỏi, nhưng Hồng nó bảo chưa nhận được tiền. Biết tin này chúng tôi cũng buồn. Tội nghiệp cho con nhỏ, chờ đợi cả năm nay”, nữ chủ quán tạp hóa cho biết.
Chị Hồng thường mua ve chai ở các mối quen, ở khu vực gần nơi chị ở trọ.
Chỉ tay vào xấp báo mua được, chị ve chai nói: “Bấy nhiêu báo đó chứ cũng hơn 50.000 đồng em à. Giấy giờ mắc lắm. Cô bán báo hỏi đã nhận được tiền chưa. Nhận được tiền rồi thì về nhà nên nghỉ ngơi vài tháng cho khỏe. Cô ấy ngạc nhiên khi biết chị chưa nhận được tiền. Chị cũng mong nhận được tiền lắm chứ”.
Người đàn ông chạy xe máy ngang qua hẻm thấy chị Hồng nói lớn tiếng: “Nhận được tiền chưa Hồng?” Chị ve chai đáp: “Dạ chưa chú ơi”. Khi người này khuất sâu trong hẻm chị Hồng mới nói: “Chú ấy bán quán ăn ở đầu đường và là mối quen bán ve chai”.
"Sẽ mua gạo cho người nghèo khi nhận được tiền"
Chị ve chai cho biết, chồng chị mới vào Sài Gòn hơn 1 tháng nay để chờ nhận tiền, nhưng chờ mãi vẫn chưa nhận được. Hai tuần nữa, khi các con được nghỉ hè, chị sẽ đón hai cháu nhỏ ở quê vào để ở gần bố mẹ. "Cũng vì cuộc sống mưu sinh mới phải xa con cái, gửi cho ông bà ngoài quê, chứ thật tình cũng buồn lắm. Cách đây mấy hôm cả nhà được địa phương cấp bảo hiểm y tế miễn phí vì nhà nghèo”, chị ve chai kể.
17 năm lặn lội khắp các con phố của Sài Gòn, nắng có, mưa có... chị Hồng vẫn miệt mài với chiếc xe đẩy, đi từng con hẻm để thu mua ve chai.
Chị hỏi tôi nhiều lắm về cái chuyện: “Có khi nào người ta không cho chị nhận lại tiền không?”.
Khi tôi hỏi, nếu nhận được tiền chị sẽ làm gì?, chị đáp: “Chị cũng chưa biết được. Chắc chắn, chị không dành tiền để kinh doanh, buôn bán gì đâu, vợ chồng chị ít học, lại dốt quá mà. Đầu tiên, chị sẽ sửa lại cái nhà cho bố mẹ hai bên vì cả hai gia đình đều nghèo, rồi chị mua vài tạ gạo cho Hội Người mù quận Tân Bình, chị thăm Hội một lần rồi, bên đó người ta khổ lắm. Cái này, chị hứa với lòng thôi chứ không có ai xin chị hết. Có người quen nói với chị về ngôi chùa nào đó nghèo lắm, có thể chị cũng cúng dường một ít. Và có một chùa chỉ có các cụ già sống, ở đó có 40-50 cụ thôi, chị hỏi thăm rồi. Nếu có tiền, chị sẽ mua gạo cho họ. Còn lại, chị gửi ngân hàng để dành nuôi hai con ăn học."
Ngày 12.5, Đại tá Lê Hoàng Châu – Trưởng Công an quận Tân Bình đã gửi văn bản phúc đáp đến chị Hồng với nội dung vẫn chưa thể giải quyết số tiền 5 triệu Yên chị Hồng giao nộp hơn 1 năm trước vì đang chờ xác minh. Theo văn bản này, do sự việc có tình tiết mới, bà Phạm Thị Ngọt (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) – người có đơn nói có thể số tiền 5 triệu Yên chị Hồng nhặt được trong thùng loa cũ là của chồng bà ông Afolayan Caleb (quốc tịch Nam Phi), nên công an cần thời gian xác minh làm rõ để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan. Qua tìm hiểu ông Caleb - người bà Ngọt nói là chồng đã về nước đúng ngày giấy phép lao động và thẻ cư trú hết hiệu lực. Trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, ông Caleb đã sử dụng giấy tờ giả và địa điểm công ty Caled làm việc cũng là công ty “ma”. |