Chị ve chai thấp thỏm với 5 triệu yên Nhật

Ngày 20/03/2015 11:02 AM (GMT+7)

Còn chưa đầy 10 ngày, hạn một năm tìm kiếm chủ sở hữu số tiền sẽ hết. Nếu hết hạn vẫn không có người đến nhận thì số tiền này sẽ thuộc về chị. Lo lắng cứ kéo dài, nhiều đêm chị không tài nào chợp mắt.

Cách đây gần một năm, dư luận cả nước bất ngờ với thông tin vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, Quảng Ngãi) mua được một chiếc loa, bên trong chứa 5 triệu yên Nhật (khoảng 1 tỷ đồng). Sau đó, vợ chồng chị đã giao nộp cho công an theo pháp luật. Nếu một năm sau khi cơ quan chức năng đăng tin truy tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận thì số tiền này sẽ thuộc về vợ chồng chị. 28/4 tới đây, thời hạn một năm sẽ kết thúc.

Chúng tôi đến chỗ trọ của chị Hồng tại một con hẻm nhỏ thuộc phường 10, quận Tân Bình. Đây là căn nhà mà chị cùng gần 10 người khác được chủ vựa ve chai cho ở miễn phí nhưng với điều kiện toàn bộ số ve chai họ mua được phải bán lại cho ông. Căn nhà ẩm thấp, ở đâu cũng xuất hiện mùi của đồ cũ…

Chị ve chai thấp thỏm với 5 triệu yên Nhật - 1

Chị Hồng thấp thỏm về số tiền, nhiều đêm không ngủ được.

Chị Hồng bảo, nghề ve chai thích nhất là tháng Giêng và sợ nhất là tháng Hai. Bởi tháng Giêng mua được nhiều và tháng Hai mua được rất ít, mua được ít đồng nghĩa số tiền kiếm được thắt lại, cuộc sống khó khăn hơn bội phần.

Vào tháng Hai âm lịch năm ngoái, vợ chồng chị ngày nào cũng rầu rĩ. Một hôm, chị nhớ có chiếc loa cũ mua được từ một người đàn ông ở đường Âu Cơ để trước nhà mấy ngày rồi nên rủ chồng “đập ra” để bán. Khi phá lớp kim loại bên ngoài là một lớp gỗ khá dày. Phá lớp gỗ, một số tiền lạ xuất hiện. “Lúc đó, chị chẳng biết số giấy đó là tiền nên đem cho đồng nghiệp, hàng xóm người vài tờ. Nghe đâu, họ đổi được mấy trăm nghìn hay mấy triệu gì đấy”, chị nói.

Thế rồi, thông tin chị ve chai “nhặt” được số tiền “khủng” lan rộng. Hàng trăm người kéo đến. Họ nói nhỏ nhẹ có, chửi mắng có. Vợ chồng chị hốt hoảng sợ, đóng chặt cửa, lên gác lửng vừa ngồi vừa run. Đỉnh điểm, một nhóm thanh niên xăm vằn vện đến yêu cầu: “Chia một phần cho chúng tôi, nếu không sẽ có chuyện”. Lo lắng cho tính mạng, chị gọi điện nhờ công an phường 10 can thiệp. Sau đó, số tiền được công an đếm rồi niêm phong trước mặt chị.

Để dư luận lắng dịu, vợ chồng chị về tỉnh Quảng Ngãi vài hôm. Do không chịu được áp lực nên chồng chị quyết định ở lại quê. Lúc này, chị nghĩ, con đầu cũng đã 15 tuổi nên phải có người lớn ở nhà chăm sóc, cơm nước nên đồng ý. Vợ chồng chị vay mượn người thân được một số tiền nên mua mấy con bò cho chồng nuôi. Riêng chị trở lại Sài Gòn với công việc cũ.

Chị chia sẻ, cuộc sống của chị từ khi nhặt được số tiền lớn vẫn y như cũ. Mỗi ngày lặn lội khắp nơi mua ve chai, kiếm được chừng 100 nghìn đồng, hôm nào “trúng” thì được gấp đôi. Chị chẳng dám chi tiêu, mỗi ngày góp 20 nghìn đồng để mua thức ăn. Riêng gạo được gửi từ ngoài nhà vào. Cuối tháng, còn lại bao nhiêu, chị gửi về cho chồng.

Có một điều khác hơn trước là bây giờ đi đâu cũng có người nhận ra và chúc mừng chị về số tiền. Câu chuyện đang vui, bỗng chị thở dài: “Đến nay chị vẫn chưa nhận được thông tin gì từ công an. Không biết mấy ngày cuối cùng này có ai đến nhận không”.

Chị phân trần, tiền của người lạ thì phải trả, nhưng gần một năm trôi qua vẫn không có ai đến nhận. Nếu đến “phút 90” mà có người nhận thì chị có phần tiếc. Bởi người như chị, làm cả đời cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ sở hữu số tiền lớn đến vậy.

Chúng tôi hỏi: “Nếu số tiền ấy thuộc về chị thì chị sẽ dùng để làm gì”. Không cần ngẫm nghĩ, chị trả lời: “Gia đình bên nội lẫn bên ngoại đều nghèo, trước hết chị sẽ sửa nhà cho cả hai. Chị từng đến hội người mù quận 5, họ khổ lắm. Chị tâm nguyện, nếu có tiền thì sẽ cho họ 5 tạ gạo. Số còn lại, chị để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.

Chị Hồng còn bảo, mấy tháng trước không nghĩ nhiều đến số tiền. Nhưng, một tháng trở lại đây, gần đến hạn một năm, nhiều người hỏi nên chị cứ thấp thỏm đến mức nhiều đêm không ngủ được.

“Chị ít học, chồng không biết chữ nên sẽ không kinh doanh. Có lẽ, số tiền còn lại sẽ gửi ngân hàng lấy lãi. Mà em có biết lãi suất là bao nhiêu không?”, chị hỏi. Sau khi tôi trả lời lãi suất chừng 7% và nhẩm tính nếu gửi một tỷ đồng, mỗi năm chị sẽ nhận được 70 triệu đồng. Chị trố mắt: “Đến 70 triệu cơ à? Chừng đó là quá nhiều so với vợ chồng chị rồi”.

Chị ve chai thấp thỏm với 5 triệu yên Nhật - 2

Chị Hồng bên xe ve chai

Chị tâm sự thêm, khi người ta may mắn, bỗng dưng có "cục tiền rơi vào đầu", họ thường nghĩ đến việc giúp đỡ người nghèo. Điều đó thì ai chẳng muốn, nhưng hai bên gia đình chị cũng nghèo lắm. Ở quê, người ta gọi là nghèo rớt mồng tơi. Thế nên, với chị giúp thì phải giúp người thân trước. Chứ người thân chưa giúp mà đi giúp người ngoài, chị sợ lại bị mang tiếng là lấy lòng thiên hạ”.

Sáng 20/3, Công an quận Tân Bình cho biết, số tiền 5 triệu yên đã được gửi vào kho bạc nhà nước. Ngày 28/4/2014, công an đã đăng báo tìm chủ sở hữu, nếu một năm sau, vẫn không có người đến nhận thì cơ quan chức năng sẽ thông báo với chị Hồng về kết quả xác định chủ sở hữu như quy định của pháp luật. Nếu trường hợp đó xảy ra, số tiền này sẽ được xác định là vô chủ và sẽ giao lại toàn bộ cho chị Hồng. Đến thời điểm này, vẫn chưa có người đến nhận là chủ sở hữu của số tiền trên.

Nhật Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot