Vụ 5 triệu yen: Luật còn ‘lỗ hổng’

Vụ 5 triệu yen: Luật còn ‘lỗ hổng’

Ngày 14/05/2015 20:40 PM (GMT+7)

Cần làm rõ thẩm quyền trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện là của cơ quan nào, thời hạn để xác định chủ sở hữu bao lâu…

Vấn đề xác lập quyền sở hữu của chị ve chai đối với số tiền 5 triệu yen mà chị phát hiện trong chiếc loa thùng từ hơn một năm trước tưởng chừng đã rõ ràng thì đến nay lại dấy lên những ý kiến tranh luận với nhiều quan điểm khác nhau, tạo ra dư luận nhiều chiều chưa có hồi kết.

Theo tôi, trong trường hợp của chị ve chai, cần phải áp dụng khoản 2 Điều 239 BLDS 2005 để giải quyết. Điều khoản này quy định người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại... Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.

Đây là động sản không xác định được chủ sở hữu

Có hai vấn đề cần xác định rõ: Thứ nhất, tiền là động sản. Cách phân loại tài sản quan trọng nhất trong luật dân sự chính là chia tài sản thành hai loại là động sản và bất động sản. Điều 163 BLDS 2005 liệt kê tài sản gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” nhưng đó không phải là phân loại tài sản mà chỉ là định nghĩa mang tính liệt kê các dạng tồn tại khác nhau của tài sản.

Do vậy, áp dụng Điều 239 BLDS (xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu) đối với tiền thì cũng không có gì sai. Mọi tài sản dù là vật, tiền, giấy tờ có giá hay quyền tài sản đều bị thu hút về một trong hai loại là động sản hoặc bất động sản. Theo Điều 174 BLDS 2005, tiền không nằm trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 (bất động sản) nên thuộc quy định tại khoản 2, tức được xem là động sản. Như vậy, 5 triệu yen được chị ve chai phát hiện trong chiếc loa thùng cũ là động sản.

Thứ hai, số tiền này là vật gì? Nó không phải là vật vô chủ bởi vật vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu (tuyên bố công khai từ bỏ bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng một hành vi minh thị như công khai vứt bỏ tài sản) và chưa có ai xác lập quyền sở hữu hoặc tài sản của cá nhân chết mà không có người thừa kế. Ở đây, 5 triệu yen được phát hiện trong chiếc loa thùng chứ không phải tìm được trên bãi rác, cũng không chứng thực được là đã bị ai từ bỏ nên không phải là vật vô chủ.

Số tiền này không phải là vật bị chôn giấu. Bởi theo nghĩa thông thường, tài sản bị chôn giấu là tài sản được chủ thể giấu ở một vị trí cố định dưới một lớp vật chất (nền đất, hang động…) hoặc trong vật thể có thể di chuyển được (bình hoa, lốp xe, thùng gỗ, tủ…) nhưng vật chứa đựng tài sản bị chôn giấu đó thường đặt trong sự kiểm soát của chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản. Nó cũng không phải là vật bị chìm đắm bởi theo nghĩa thông thường, tài sản bị chìm đắm phải nằm dưới mặt nước, chất lỏng.

Số tiền này không phải là vật bị đánh rơi bởi không được phát hiện trên đường đi, trên phương tiện vận chuyển, trong các vị trí công cộng khác. Nó cũng không phải là vật bỏ quên vì không có chứng cứ cho thấy ai đã bỏ quên nó.

Ở đây, 5 triệu yen là vật không xác định được ai là chủ sở hữu. Bởi nó được phát hiện trong tình trạng không có chủ, không biết được chủ sở hữu của tài sản đó là ai và không có bằng chứng cho thấy tài sản đó đã bị chủ của nó từ bỏ. Vì đây là tài sản không xác định được ai là chủ nên cần phải thông báo công khai để chủ sở hữu đích thực của tài sản biết và nhận lại.

Như vậy, từ các phân tích trên cho thấy chị ve chai đã phát hiện một động sản, vật không xác định được ai là chủ sở hữu.

Nhiều “lỗ hổng”

Theo tôi, khoản 2 Điều 239 BLDS 2005 áp dụng đối với trường hợp của chị ve chai vẫn còn có những điểm chưa rõ nên đã gây ra nhiều cách hiểu, nhiều tranh luận, cần được các nhà làm luật xem xét trong đợt sửa đổi, bổ sung BLDS lần này.

Thứ nhất, điều khoản luật quy định: “… sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện…”. Vậy phải hiểu thời hạn này theo nghĩa nào? Hiểu theo nghĩa dù có người đến nhận là chủ sở hữu nhưng trong vòng một năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu thật sự thì động sản sẽ thuộc sở hữu của người phát hiện? Hay hiểu theo nghĩa trong vòng một năm đó, chỉ cần có người đến nhận thì vụ việc sẽ bị kéo dài hơn để UBND hoặc công an cơ sở có thêm thời gian xác định chủ sở hữu?

Như vụ của chị ve chai, gần đến ngày hết hạn một năm thì bà Ngọt mới xuất hiện nhận 5 triệu yen đó là tiền của chồng bà nên cho đến nay Công an quận Tân Bình vẫn đang tiếp tục xác minh.

Thứ hai, điều khoản luật chỉ quy định UBND hoặc công an cơ sở tiếp nhận vật không xác định được ai là chủ sở hữu, lập biên bản, quản lý tài sản, thông báo công khai để tìm chủ sở hữu, xác định chủ sở hữu. Còn phần trách nhiệm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện thì lại không nói rõ thuộc cơ quan nào, UBND hoặc công an cơ sở hay tòa án (đoạn 4 khoản 2). Cần phải quy định rõ thẩm quyền giải quyết sau cùng này để tránh tranh cãi.

Thứ ba, điều khoản luật không quy định thời hạn để UBND hoặc công an cơ sở xác định chủ sở hữu trong trường hợp có người đến nhận là chủ sở hữu giống bà Ngọt trong vụ việc của chị ve chai. Cần phải quy định một thời hạn nhất định, nếu không UBND hoặc công an cơ sở có thể sẽ cứ “ngâm” vụ việc, cứ “đang xác minh”, không biết đến khi nào mới ra kết quả cuối cùng, gây thiệt thòi cho người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, trong trường hợp xác định được chủ sở hữu thì cũng cần có cơ chế bù đắp phần nào cho người có công phát hiện và giao nộp vật không xác định được ai là chủ sở hữu đó cho UBND hoặc công an cơ sở.

Bà Ngọt cung cấp thêm giấy tờ cho công an

Chiều 13-5, bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) đã đến Công an quận Tân Bình cung cấp thêm một số giấy tờ liên quan đến số tiền 5 triệu yen vắng chủ trong thùng loa cũ mà Công an quận Tân Bình đang thụ lý, giải quyết.

Đó là giấy phép lao động do Sở LĐ-TB&XH cấp cho ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi, chồng bà Ngọt) làm giáo viên tại Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi thời hạn từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2013. Ngoài ra, bà Ngọt còn cung cấp giấy tạm trú do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM cấp cho ông Caleb cũng từ thời gian từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2013.

Bà Ngọt cho biết hiện ông Caleb đang tiến hành làm các thủ tục để chứng minh ông từng dạy học tại Nhật và có thu nhập bằng tiền yen Nhật nhằm chứng minh số tiền 5 triệu yen là của ông. Theo bà Ngọt, bà bổ sung các giấy tờ nói trên nhằm thể hiện việc bà đến công an trình báo số tiền 5 triệu yen trong thùng loa là của ông Caleb bỏ quên là có căn cứ. Bà Ngọt mong muốn từ những căn cứ đó, công an sẽ chờ ông Caleb về Việt Nam hoặc ông Caleb sẽ làm giấy ủy quyền để bà đại diện giải quyết.

Trước đó ngày 10-4, bà Ngọt có đơn gửi Công an quận Tân Bình yêu cầu nhận lại số tiền trên do ông Caleb để quên trong thùng loa, vì không nhớ nên đem cho thùng loa đi. Công an quận Tân Bình cho biết do có tình tiết mới như trên nên cần có thời gian xác minh làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Do đó ngày 12-5, Công an quận Tân Bình đã có văn bản gửi chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (người mua ve chai phát hiện số tiền) cho biết chưa thể giải quyết trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng tin tìm chủ sở hữu.

TS LÊ MINH HÙNG, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn: Pháp luật TP.HCM

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự