Người đứng đầu UBND Thành phố cho rằng, việc thay thế, chặt hạ có lộ trình chứ không phải chặt hạ hàng loạt.
Phát biểu tại buổi họp tập thể UBND TP Hà Nội (19.3), Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề cập đến đề xuất của Sở Xây dựng cho thay thế 6.700 cây xanh.
Phát biểu tại buổi họp tập thể UBND TP Hà Nội (19.3), Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, người dân phản đối chặt cây là do thiếu thông tin
Ông Thảo cho rằng, chủ trương của Thành phố thực đề án chặt hạ, thay thế cây xanh là thay thế cây cong nghiêng, không đúng quy hoạch, không đảm bảo yêu cầu về mỹ quan đô thị để thay thế vào đó những cây phù hợp quy hoạch.
Do thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi đó, việc thay thế, chặt hạ có lộ trình chứ không phải chặt hạ hàng loạt.
Thành phố cũng không phải mất toàn bộ kinh phí, ngân sách bởi có nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp cây xanh. Tuy nhiên, do công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến thiếu sự đồng thuận trong dư luận nhân dân.
Báo cáo lãnh đạo thành phố về đề xuất thay thế 6.700 cây, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị.
Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, việc thay thế cây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Ông Dục cũng cho rằng, cây to, lượng gỗ lớn sẽ được thu hồi và tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách. Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh. Do vậy, không có có lợi ích cá nhân trong việc này.
Trước đó, ngày 18.3, trong công văn gửi các cơ quan báo chí, UBND Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát. Hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài.
Được biết, trên địa bàn Hà Nội có 3.781 cây sưa được trồng chủ yếu trên các hè phố và nằm rải rác tại 24 quận, huyện. Đây là loại cây có giá trị kinh tế lớn. Trong năm 2014 vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 19 vụ cưa trộm cây gỗ sưa đỏ.
Trả lời báo chí tại cuộc giao ban chiều 10.3, đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, mặc dù Hà Nội đang thay thế cây xanh, nhưng cây sưa đang được quản lý rất chặt chẽ. Nếu có chặt cây sưa, phải được Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng khác thông qua.
“Ngay cả vấn đề cắt tỉa cây sưa chúng tôi cũng phải làm theo quy trình rất chặt chẽ”, đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho hay.