Sau thông tin bác sĩ Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên Thận nhân tạo (BVĐK tỉnh Hòa Bình) cùng 2 cá nhân khác bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ việc liên quan đến sự cố y khoa làm 8 người chạy thận tử vong, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế đã chia sẻ về nỗi đau của ngành y này.
BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế Exson (TP.HCM) bày tỏ: "Tôi không biết quy định cụ thể về vấn đề bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chạy thận nhân tạo như thế nào, nhưng qua những gì báo chí đăng tải, BS Lương đã cho chạy thận khi chưa có văn bản bàn giao. Chính vì lỗi này mà BS Lương bị truy tố.
Như vậy, nếu BS Lương chờ có văn bản bàn giao rồi mới cho chạy thận nhân tạo, thì thảm họa có xảy ra không? Vẫn xảy ra, vì BS Lương đâu có thể nào biết được nguồn nước đó không bảo đảm chất lượng!!!. Mọi chuyện sẽ vẫn như vậy, chỉ có khác một chút, là BS Lương sẽ được coi là làm đúng quy định, và không bị rơi vào vòng lao lý".
BS Võ Xuân Sơn phân tích thêm, trên thực tế, ông Sơn - người phụ trách Phòng Vật tư Thiết bị Y tế của bệnh viện - đã gọi điện thoại và xác nhận với điều dưỡng (ĐD) Điệp, là các thiết bị đã hoạt động bình thường. ĐD Điệp đã thông báo lại cho ĐD Hậu, và ĐD Hậu đã khởi động máy, BS Lương thực hiện các thao tác kiểm tra máy như quy định (chạy thử, xả khí) rồi cho y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Vì thế, BS Sơn nhận định: "Tôi không biết quy trình của bệnh viện có quy định cụ thể là BS Lương phải nhận được văn bản bàn giao mới được cho chạy thận hay không. Nếu không có quy định cụ thể nào về việc BS Lương phải có văn bản bàn giao mới được chạy thận, thì khó có thể truy cứu trách nhiệm của BS Lương về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Tôi cho rằng trách nhiệm chính trong việc để xảy ra thảm họa Hòa Bình thuộc về ông Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, và ông Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư - trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Họ là những người nắm rõ các quy định về trang thiết bị, là người phải thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra, kiểm soát trước khi để cho bên lâm sàng sử dụng máy cho bệnh nhân".
Bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 cá nhân bị bắt tạm giam (Ảnh TL)
BS Võ Xuân Sơn cũng bày tỏ băn khoăn về cái biên bản bàn giao mà người ta dùng làm cơ sở để quy trách nhiệm cho BS Lương là biên bản gì? Đó có phải là biên bản của phòng Vật tư - trang thiết bị y tế bệnh viện bàn giao hệ thống máy lọc thận cho đơn nguyên thận nhân tạo? Hay chỉ là biên bản bàn giao giữa Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?
Nếu đó chỉ là biên bản bàn giao giữa Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, và quy trình không có quy định phải có biên bản của phòng Vật tư - trang thiết bị y tế bệnh viện, bàn giao hệ thống máy lọc thận cho đơn nguyên thận nhân tạo mới được phép sử dụng hệ thống để lọc thận cho bệnh nhân, thì không thể quy trách nhiệm cho BS Lương được.
Chia sẻ trước nỗi đau của ngành y, PGS.TS BS Nguyễn Văn Bàng (nguyên Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Giảng viên Đại học Y Hà Nội) cho biết: "Đúng là Bộ Y tế đã có quy trình quy phạm đầy đủ. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào bản chất sự việc để xem tai nạn khởi nguồn từ đâu?
Việc công ty Thiên Sơn thuê công ty Trâm Anh bảo trì máy móc đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình có được ghi trong hợp đồng của ban giám đốc bệnh viện với Thiên Sơn không? Tại sao Thiên Sơn ký hợp đồng nhưng lại thuê Trâm Anh? Thiên Sơn không còn đủ năng lực, hay chưa từng đủ năng lực, hay có biến động nội bộ không bảo đảm được việc thực thi hợp đồng.
Việc Trâm Anh chứ không phải Thiên sơn đảm nhiệm việc bảo trì lần này, ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có biết không? Nếu biết thì ai là người đồng ý cho thay thế hay thuê mướn công việc chuyên biệt này?
Trâm Anh có tư cách pháp nhân gì trong vụ bảo trì lần này? Nếu có, ai là người xác định năng lực chuyên môn "kẻ đóng thế" này? Ai thay mặt ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh (năng lực chuyên môn thế nào? Ai kiểm định?) làm việc trên trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn?".
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng tỏ rõ quan điểm là các bác sĩ là người sử dụng máy đã được đảm bảo kỹ thuật do giám đốc, ban lãnh đạo bệnh viện, phòng Vật tư, phòng Kế hoạch tổng hợp... là những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm với nhà nước và pháp luật để ký kết với các đối tác kỹ thuật đảm bảo an toàn cho thầy thuốc vận hành máy cứu người.
Trở lại trường hợp BS Lương, máy TNT, trang thiết bị vật tư vẫn là những loại dùng hàng ngày, mọi quy trình chuyên môn kỹ thuật vẫn tuân thủ như bất cứ lần nào. Làm sao BS Lương hay bất cứ bác sĩ nào biết được chuyện ai bảo trì, ai là Thiên Sơn, ai là Trâm Anh, ai không có đủ năng lực bảo trì hay có năng lực nhưng không tuân thủ quy trình kỹ thuật?
"Và nếu có biết thì BS Lương phải kiểm tra gì? Bằng phương tiện kỹ thuật nào? Theo văn bản nào. Về nguyên tắc, thầy thuốc chúng tôi không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng bảo trì vật tư. Xin chia buồn với 8 bệnh nhân xấu số và gia đình họ, và nhất là với BS Lương. Chúng tôi tin rằng lẽ phải và sự thật sẽ được bảo vệ", PGS.TS Nguyễn Văn Bàng nói.