Vụ việc người trông trẻ tự phát làm bé trai tử vong ở TP HCM đang phơi bày nhiều thảm cảnh gia đình, cả phía nạn nhân lẫn… thủ phạm.
Thế nhưng, một thảm cảnh lớn hơn là hàng vạn gia đình công nhân, hàng vạn cháu bé ở các khu công nghiệp vẫn phải trông chờ vào sự may rủi của việc trông trẻ tự phát, bởi ngoài hình thức đó, họ không có một lựa chọn nào khác.
Tội chồng lên tội
Gia đình nhà chồng Hồ Ngọc Nhờ (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) - người trông trẻ tự phát vừa khiến một bé trai 18 tháng tuổi chết thảm hôm 16/11 cho rằng, Nhờ đang có thai gần 2 tháng. Tuy nhiên, tin này chưa được cơ quan điều tra xác thực hay bác bỏ. Hiện Nhờ vẫn đang trong trại tạm giam và đối mặt với tội danh “giết người”. Con trai của Nhờ gần 2 tuổi đang ở cùng bà nội và bố tại căn phòng trọ đối diện với phòng trọ của bố mẹ nạn nhân là bé trai 18 tháng tuổi vừa tử vong.
Chị Loan - mẹ chồng Nhờ, đến giờ vẫn chưa tin gia đình mình lâm vào thảm cảnh và gây đau đớn cho một gia đình khác. Ảnh: Đỗ Bá
Trong lúc mọi chuyện đang rối bời thì chồng Nhờ lại phải đối mặt với tội danh khác: “giao cấu trẻ em”. Bởi Nhờ sinh năm 1995 mà con trai đã gần 2 tuổi. Điều này có nghĩa là Nhờ và chồng có quan hệ ít nhất là từ khi cô mới 16 tuổi. Đến thời điểm này, họ vẫn chưa đăng ký kết hôn, ngay cả con trai họ cũng chưa được đăng ký khai sinh và hộ khẩu. Một nguồn tin từ cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức cho hay, vụ việc vẫn đang tiếp tục được làm rõ. Một trong những việc làm cần thiết là xác định bé trai 2 tuổi kia chắc chắn là con của Nhờ và chồng, bằng phương pháp giám định y khoa.
Vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ nhưng thảm cảnh mà gia đình này đang đối diện đã hiện rõ. “Mấy hôm nay con trai tui bỏ cơm, bỏ làm, đi đâu không biết nhưng về đến phòng trọ là thất thần cứ như người chết rồi ấy. Còn tui thì ngồi nhà trông chừng cháu nội riết, đâu còn tâm trí đâu mà đi bán vé số. Chỉ còn thằng con út là ráng giữ chỗ làm để gồng gánh cuộc sống của gia đình”- chị Nguyễn Thị Loan (SN 1967), mẹ chồng Nhờ vừa ôm cháu nội vừa than. Năm 1991, từ vùng quê nghèo của Cần Thơ, cả gia đình này bồng bế nhau lên đây mưu sinh. Hai tay trắng và hai đứa con trai, chị Loan cùng chồng làm thuê làm mướn nuôi con. Chồng chị Loan không may bệnh nặng và qua đời cách đây vài năm, chị bán vé số vừa nuôi thân vừa phụ giúp các con lo chuyện gia đình.
Cô trông trẻ có năm sinh 1995 khiến chồng mình đang đối mặt với tội danh “giao cấu trẻ em”.
Trong khi phòng trọ của chị Loan đầy không khí buồn thảm thì phòng trọ đối diện cũng đầy không khí tang thương. Đôi vợ chồng trẻ là công nhân vừa mất con trai 18 tháng tuổi cứ khép cửa ở riết trong phòng, chưa thể vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc sống. Mấy ngày qua một vài người thân của đôi vợ chồng trẻ không may mắn này ở đây liên tục để chia sẻ và động viên. Trong cái thảm cảnh cả hai gia đình đang đối mặt, với nhiều người trong nhà vốn dĩ chẳng được học hành tới nơi tới chốn ấy, vẫn lóe sáng một thái độ cư xử với nhau đáng phục. “Từ hôm vụ việc đau lòng xảy ra đến nay, phía gia đình bên ấy chưa hề lớn tiếng với tui. Một người thân của gia đình ấy có nói với tui là thôi cứ để công an họ điều tra cho ra lẽ rồi tính” - chị Loan nói với đầy lòng biết ơn!
Bao giờ có “Nhà trẻ công nhân”?
Không ít công nhân đang loay hoay với việc gửi con vì quá lo lắng sau vụ việc cô trông trẻ tự phát làm tử vong cháu trai 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều công nhân cho rằng vụ việc chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. “Ông bà cụ đang trông cu Bin nhà em ổn lắm, chắc không đến nỗi nào đâu” - nữ công nhân may tên Thanh ở khu phố 1, phường Tân Phú (quận 9) tin tưởng. Chị Thanh và chồng cùng làm công nhân may. Cách đây 3 năm, vợ chồng chị có cháu trai đầu được 4 tháng thì gửi bà Ba ở gần phòng trọ đến nay. Bà Ba khoảng 60 tuổi, vốn có mối quan hệ thân thiết với gia đình chị Thanh. Các con của bà Ba đều làm công nhân, khi con dâu sinh thì bà vào TP HCM chăm cháu. Lúc đầu bà Ba chỉ tính chăm cháu mấy tháng cho cứng cáp rồi về quê vì ở quê còn mỗi mình ông.
Nhưng qua 4 tháng, con dâu phải đi làm, nếu bà về các con không biết gửi con cho ai để đi làm, thuê người trông thì tốn kém. Bà Ba nghĩ ở quê việc nhà nông cũng cực mà ông bà già rồi nên bà quyết định ở lại TPHCM giúp con trông cháu. Xóm trọ thấy bà chăm cháu khéo, sạch sẽ nên ai cũng muốn nhờ bà trông giúp. Vậy là bà gọi ông từ quê lên phụ bà giữ trẻ và “nhà trẻ công nhân” này tự nhiên hình thành.
“Ông bà rất quý trẻ con, chăm đứa nào cũng mát tay nên ai cũng muốn gửi nhưng ông bà chỉ nhận tối đa là 4 cháu. Những lúc con ốm nặng lắm tôi mới xin nghỉ đưa con đi khám, rồi cũng mang con về gửi ông bà, gửi thuốc lại nhờ ông bà cho uống. Chăm con rồi chăm cháu nên ông bà cũng có nhiều kinh nghiệm, trẻ con hay ốm vặt nên ông bà thuộc lòng các loại thuốc như hạ sốt, sổ mũi, ho. Đôi khi giữa ngày cháu sốt ông bà tự ra tiệm mua thuốc về cho uống, nếu thấy nặng thì mới gọi cho bố mẹ” - chị Thanh kể chuyện gửi con. Ở khu phố 1, còn có chị Mười, bà Trâm… làm “nhà trẻ công nhân” một cách tình cờ tương tự trường hợp bà Ba, bởi khu này hầu hết là phòng trọ công nhân.
Mô hình “Nhà trẻ công nhân” với những dịch vụ đặc thù không biết đã được đặt trên bàn của cơ quan chức năng và các đơn vị đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất chưa? Bởi vậy, “Nhà trẻ công nhân” tự phát ở những người như bà Ba, chị Mười, bà Trâm và cả Nhờ đang trong trại tạm giam, vẫn đang hàng ngày đáp ứng nhu cầu thực sự cần thiết của công nhân. Sau vụ việc của Nhờ, một vấn đề lớn đặt ra là những gia đình công nhân có con nhỏ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp… hoàn toàn không hề có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trông cậy vào sự may rủi trong chuyện “chọn mặt gửi con”. Đến bao giờ thì công nhân có thêm sự lựa chọn khác an toàn hơn cho việc gửi con của mình?