Tại phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương sáng nay (16/5), HĐXX đã đặt các câu hỏi với ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, người được triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
"Bổ nhiệm" cán bộ không có văn bản
Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ở đơn nguyên Thận nhân tạo làm 8 người chết ngày 29/5/2017, ông Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Khoa này có hai đơn nguyên gồm đơn nguyên Thận nhân tạo và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu.
Để phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, bác sĩ trong Khoa, ông Khiếu đã phân công bác sỹ Hoàng Công Tình phụ trách chung của Khoa và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu; bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Nhiệm vụ của những người được phân công là phụ trách lĩnh vực chuyên môn và các hoạt động thường ngày của khoa. Đối với mỗi bác sỹ phụ trách có trách nhiệm khám chữa bệnh, điều hành và phân công một số công việc thường ngày của Khoa.
Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ông Khiếu khẳng định việc phân công này “ai trong bệnh viện cũng biết” nhưng lại chỉ được phân công… bằng miệng.
“Việc phân công này là của khoa Hồi sức tích cực nên không có văn bản nào của bệnh viện. Theo nhiệm vụ và quyền hạn, Trưởng khoa được phép phân công như vậy. Mặc dù không có văn bản nhưng tôi có thông báo qua giao ban và mọi người trong bệnh viện đều biết việc phân công này”, ông Hoàng Đình Khiếu nói.
Nói về trách nhiệm của bác sỹ Hoàng Công Lương, ông Khiếu cho biết nhiệm vụ chính của bác sỹ và điều dưỡng là chăm sóc người bệnh, trong đó điều dưỡng chỉ chăm sóc và thực hiện y lệnh của bác sỹ, còn bác sỹ phải ra y lệnh. Bác sỹ Lương ngoài việc chăm sóc người bệnh và ra y lệnh còn quản lý chung công việc tại đơn nguyên Thận nhân tạo.
Về vấn đề điều phối nhân lực cho đơn nguyên, ông Khiếu giao cho bác sỹ Hoàng Công Tình. Vì Khoa chỉ có 8 bác sỹ, đơn nguyên Thận chỉ phân công 1 bác sỹ phụ trách chính, hằng ngày có 2-3 bác sỹ trực. Thời điểm xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5, tại đơn nguyên có 3 bác sỹ và 11 điều dưỡng trực.
Trả lời về quy trình quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế trong bệnh viện, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế có trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc Bệnh viện trong việc lựa chọn nhà thầu, theo dõi, giám sát sửa chữa. Trách nhiệm của Khoa chỉ là đơn vị nhận bàn giao thiết bị.
“Khi có sự cố bất thường về chất lượng thiết bị như hệ thống lọc nước RO, điều dưỡng phụ trách hoặc phụ trách đơn nguyên báo cáo lãnh đạo Khoa, sau đó báo lên Phòng Vật tư, trang thiết bị. Tháng 4/2017, tôi nhận được đề nghị sửa chữa lọc nước RO số 2. Giai đoạn đầu nước ra yếu nên điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng báo cáo đề xuất sửa chữa. Khoa báo Phòng vật tư, sau đó phòng này có biên bản đề xuất sửa chữa”, ông Hoàng Đình Khiếu trình bày.
3 bị cáo Hoàng Công Lương (bên trái), Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
Ông Khiếu cho biết mình chỉ là người ký phê duyệt đề nghị sửa chữa, còn chi tiết sửa chữa những gì không được ghi cụ thể. Sau khi sửa chữa xong, Phòng Vật tư, thiết bị bàn giao lại cho Khoa. Tuy nhiên, ông Khiếu cho biết từ khi sửa chữa đến khi nhận lại hệ thống đó, bản thân ông chưa hề nhận được một báo cáo nào từ điều dưỡng Hằng.
HĐXX xét hỏi bà Đỗ Thị Điệp, điều dưỡng viên đơn nguyên Thận nhân tạo, sáng 28/5, bà nhận được cuộc gọi của Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị, yêu cầu mở cửa để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. “Khoảng 10h sáng, tôi đến mở cửa và đi về, khoảng 20h30 cùng ngày anh Sơn gọi điện báo đã sửa xong, tôi hỏi có vấn đề gì nữa không, anh Sơn nói không có vấn đề gì, sáng mai các chị cứ cho hoạt động bình thường, sáng mai em sẽ đưa biên bản cho chị để chị ký”, bà Điệp trình bà.
Về trách nhiệm của điều dưỡng, bà Hằng cho biết ngày 28/5 là lịch trực của mình, nhưng vì là ngày Chủ nhật nên không có lịch lọc thận cho bệnh nhân.
“Đến sáng 29/5, trước mặt 3 bác sỹ, trong đó có bác sĩ Lương và 9 điều dưỡng, tôi đã thông báo với tất cả mọi người có mặt trong khoa nội dung như vậy. Tôi chỉ thông báo chung chứ không thông báo cụ thể với ai. Tôi không thông báo cho Trưởng – Phó khoa”, bà Hằng nói.
Lập biên bản bàn giao thiết bị sau khi 8 bệnh nhân tử vong
Trả lời HĐXX, ông Hoàng Công Tình, bác sỹ Phó Khoa Hồi sức tích cực đề nghị HĐXX xác minh lại các biên bản bàn giao thiết bị.
“Việc bàn giao này tôi không được biết. Tôi không được nhận bàn giao gì cả”, ông Hoàng Công Tình nói.
Ngay sau đó, HĐXX đã đọc quyết định bàn giao máy móc thiết bị cho ông Tình, nhưng ông Tình khẳng định lại không nhận được biên bản và cũng không được ai thông báo.
“Chúng tôi chỉ nhận thiết bị về để phục vụ công tác điều trị, việc nhận thiết bị về sử dụng có 2 chữ ký đại của bác sỹ và điều dưỡng. Tôi không biết về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 ngày 28/5. Trường hợp Trưởng khoa đi vắng và có ủy quyền thì tôi mới có thể bao quát được hết. Còn hằng ngày tôi rất nhiều việc nên không thể bao quát hết được”, ông Hoàng Công Tình khẳng định.
Bác sỹ Hoàng Công Tình trao đổi với phóng viên bên ngoài phòng xử.
Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh - đơn vị ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế với BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị cáo Quốc khẳng định thời điểm bàn giao thiết bị không được làm biên bản bàn giao.
Tuy nhiên, sau khi sự cố y khoa xảy ra, bệnh viện đã nhanh chóng che lấp việc này bằng cách lập biên bản bàn giao. Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư, Thiết bị xác nhận: “Theo quy định trước và sau khi sửa chữa đều phải có biên bản bàn giao. Nguyên tắc lập biên bản bàn giao phải có 2 bên, giữa đại diện Phòng Vật tư và Công ty sửa chữa nên bị cáo đã lập biên bản sau khi sự cố xảy ra để hoàn thiện thủ tục và bị cáo Quốc ký sau đó”.