HHT - Mới đây, ca sĩ Đức Phúc đã lên tiếng cảnh báo chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau khi bị mất trắng 32 triệu đồng. Đây là một trong những chiêu thức lừa đảo tinh vi của kẻ gian trên mạng xã hội, lợi dụng sự tin tưởng, sơ hở của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Vậy chúng mình cần làm gì để không bị "sập bẫy online"?
Thủ đoạn lừa đảo khá quen thuộc: Giả mạo người quen để vay tiền
Mới đây, ca sĩ Đức Phúc đã vạch mặt chiêu trò lừa đảo của "Bố Bo" giả mạo để cảnh báo mọi người nên cẩn trọng và đề phòng hơn. Nam ca sĩ tiết lộ mình đã không may sa vào bẫy và bị lừa số tiền là 32 triệu đồng. Nguyên nhân khiến cho nam ca sĩ dễ dàng tin tưởng là bởi đối tượng này lợi dụng 2 người quen rất gần gũi với anh đó là ca sĩ Erik và thiếu gia Minh Hải - bạn trai cũ của Hòa Minzy.
Cụ thể, kẻ lừa đảo giả danh thiếu gia Minh Hải cho biết sắp trở về Việt Nam và sẽ xách hộ đồ từ Úc cho Erik, Đức Phúc, đồng thời đã "nhờ" Đức Phúc trả hộ tiền vé máy bay sau khi kẻ mạo danh Erik nói đang hết tiền.
Giọng ca Hơn Cả Yêu vì tin tưởng đã chuyển khoản cho vay mà không suy nghĩ gì, sau khi gọi cho Erik thật thì mới biết mình bị lừa và nam ca sĩ đã quyết định chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân để cảnh tỉnh mọi người.
Vào sáng ngày 21/3, nam ca sĩ cũng đã trực tiếp đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công An TP Thủ Đức (TP.HCM) - nơi anh đang cư trú để trình báo sự việc. Sau khi cung cấp đầy đủ bằng chứng và thông tin liên quan đến hành vi lừa đảo cho phía Cơ quan Công an, Đức Phúc làm đơn tố cáo theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Giọng ca Hơn Cả Yêu cũng hy vọng sẽ sớm tìm được đối tượng lừa đảo và có những bài học răn đe thích đáng để những hành vi tương tự không còn được tiếp diễn.
Cần lưu ý gì để không thành “nạn nhân” của những vụ lừa đảo tương tự?
Dù hình thức lừa đảo mà ca sĩ Đức Phúc "mắc bẫy" không phải là hình thức quá mới lạ bởi thời gian vừa qua đã xảy ra không ít những vụ mạo danh/ hack tài khoản mạng xã hội để trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các đối tượng xấu ngày càng trở nên tinh vi hơn khi đã mạo danh tới 2 người thân quen để tạo lòng tin cho "con mồi".
Vậy để không trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo tương tự, bạn cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
- Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP của dịch vụ Ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.
- Tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội.
- Khi cần xác thực thông tin, có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng (qua hotline hoặc đến ngân hàng) để được hỗ trợ, không làm theo hướng dẫn của người lạ, số điện thoại mang đầu số lạ.
- Hạn chế công khai thông tin, số tài khoản cho người lạ trên không gian mạng...
- Nếu có người thân/ bạn bè bỗng liên hệ nhờ chuyển tiền online, bạn cần xác minh "chính chủ", ví dụ có thể video call để xác nhận xem có đúng là người đó đang liên hệ với bạn hay không...
(Ảnh minh hoạ từ Internet)
Bị kẻ gian lừa đảo, làm thế nào để có thể lấy lại tiền?
Nếu không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chuyển khoản tiền thì cần bình tĩnh thực hiện các bước sau:
Bước 1: Liên hệ với ngân hàng để tiến hành xác minh
Do đây là vụ việc lừa đảo liên quan đến giao dịch ngân hàng, do đó khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo bạn cần liên hệ với phía ngân hàng để được hỗ trợ.
Bước 2: Thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo
Chứng cứ, tài liệu ở đây có thể bao gồm: Hình ảnh, tin nhắn, file ghi âm, ghi hình, các tài liệu mà ngân hàng cung cấp… có liên quan đến hành vi lừa đảo. Chứng cứ, tài liệu càng rõ ràng thì càng tạo thuận lợi cho quá trình điều tra.
Bước 3: Tố cáo tới cơ quan công an
Cụ thể, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an... nơi bạn cư trú sẽ có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm (theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017).
Tài liệu cần mang theo gồm:
- Đơn trình báo vụ việc;
- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân...
- Các tài liệu, chứng cứ có liên quan.
Cơ quan công an sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà nạn nhân cung cấp để tiến hành xác minh, điều tra vụ việc.
Bên cạnh đó, nạn nhân còn có thể trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an:
- Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dùng Internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:
+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an TP Hà Nội.
+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069 219 4053.
+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
- Nếu ở TP.HCM: Bạn hãy gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08 3864 0508.