Việc “nhóm giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng” và Nguyễn Xuân Đường lần lượt bị bắt giữ được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Chứng kiến cảnh vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, còn gọi là Đường "Nhuệ") bị bắt, nhiều người dân sinh sống tại Thái Bình vô cùng vui mừng. Bởi từ lâu cái tên Đường "Nhuệ" là nỗi khiếp sợ của những người dân lương thiện. Dưới trướng của đối tượng này luôn có hàng chục đối tượng dữ dằn, trên người toàn xăm trổ, sẵn sàng tuân lệnh đại ca xử những kẻ nào chống đối.
Nguyễn Xuân Đường còn được biết đến với biệt danh võ sư Đường "Nhuệ", thường tham gia một số phim thể loại "giang hồ mạng" phát trên Youtube cùng Phú Lê, Cu Thóc… như "Chạm mặt giang hồ", "Luật lệ giang hồ", "Tỷ phú đè đại gia"…
Với cuộc sống ảo trên mạng, rất nhiều lần, vợ chồng đối tượng này thường đe dọa những người nào mà chúng thấy ngứa mắt hay ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng. Cũng trên mạng, chúng thường khoe những món quà xa xỉ, những cọc tiền mới coóng xếp đầy một thùng giấy…
Nguyễn Thị Dương (vợ bị can Đường) khoe tiền trên Facebook (ảnh FB đối tượng)
Vụ việc khiến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường rơi vào vòng lao lý được xác định, khoảng 10h40 phút ngày 30/3, nhân viên Công ty TNHH dịch vụ vận tải Phúc Cường (Cty Phúc Cường) có nhận vận chuyển 01 gói tài liệu của Công ty Đường Dương từ Thái Bình đi Hà Nội. Do người vận chuyển và người nhận không thống nhất được địa điểm giao hàng nên xảy ra mâu thuẫn và giao nhận hàng muộn. Nguyễn Xuân Đường đã gọi điện đe dọa, yêu cầu nhân viên công ty về Thái Bình gặp mình.
Khoảng 18h20 cùng ngày, anh T.N.A (nhân viên Cty Phúc Cường) đến nhà Nguyễn Xuân Đường (cũng là trụ sở Công ty Đường Dương). Tại đây, Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường), Nguyễn Đức Mạnh, Phạm Ngọc Quý đã hành hung anh A gây thương tích nặng. Theo đó, anh A bị gẫy xương hàm, dập mũi, tỉ lệ thương tích là 14%.
Căn cứ kết quả giám định, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam tất cả các đối tượng trên về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo khoản 2 (Điều 134, BLHS 2015).
Vợ chồng bị can Nguyễn Xuân Đường trước khi bị bắt (ảnh TL)
Bình luận về việc vì sao các đối tượng "giang hồ mạng" lần lượt bị bắt, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, những năm gần đây người sử dụng mạng xã hội tăng lên nhanh chóng bởi sự phát triển của điện thoại thông minh và sức kết nối mạnh mẽ của mạng xã hội này. Mạng xã hội trở thành một môi trường diễn ra rất nhiều hoạt động của con người như buôn bán kinh doanh, giao lưu, chia sẻ tình cảm. Từ đó, những khái niệm như dân cư mạng xã hội, giang hồ mạng xã hội cũng ra đời...
Có một đặc điểm rất đặc thù của mạng xã hội là người sử dụng mạng xã hội rất thích tìm kiếm những thông tin độc, lạ, kinh dị để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam. Nắm bắt tâm lý ấy mà một số đối tượng tự biến mình thành những kẻ "độc lạ", thực hiện những hành vi mà trong đời thường đời sống xã hội không thể thực hiện được.
Những hành vi của các đối tượng này trên mạng xã hội thể hiện hình ảnh, thái độ côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm của người khác, cho mình là tài giỏi, hơn người, đi rao giảng đạo đức cho người khác trong khi mức độ nhận thức của mình rất hạn chế.
Những đối tượng này xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và được dân cư trên mạng xã hội gọi là "giang hồ mạng". Vì tính tò mò, hiếu kỳ và tâm lý muốn học theo của thanh thiếu niên nên những trang mạng này đã thu hút lượng người theo dõi rất lớn.
Để trở thành độc, lạ, nổi tiếng trên mạng xã hội thì những đối tượng này hay xăm trổ, chửi bới, khoe chiến tích, khoe tiền, khoe vũ khí, đe doạ đánh nhau... Những hình ảnh, thái độ như vậy tạo ra hình tượng có tính chất giang hồ.
Tiếp cận với những thông tin, hình ảnh đó nhiều người trong giới trẻ cho rằng như thế mới mạnh mẽ, mới "ngầu" nên thường bắt trước, học theo. Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội. Để tồn tại những đối tượng như vậy trên mạng xã hội sẽ tác động tiêu cực đến văn hóa, đạo đức xã hội bởi vậy việc xử lý các đối tượng này là cần thiết.
Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, việc xử lý nghiêm minh các đối tượng "giang hồ mạng" là cần thiết
Thời gian vừa qua các địa phương liên tục phát hiện, xử lý những sai phạm để triệt phá những đối tượng này trên mạng xã hội. Những trường hợp như Dương Minh Tuyền, Khá "bảnh", Huấn "hoa hồng" và mới đây là Đường "Nhuệ" lần lượt bị xử lý về các hành vi liên quan đến ma túy, tín dụng đen, gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác... là điều được dự đoán từ trước.
Việc cơ quan chức năng xử lý những đối tượng trên là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo sự lành mạnh trong thông tin mạng và giảm bớt những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên và những người sử dụng mạng xã hội.
Triệt phá giang hồ mạng, xóa bỏ những hình tượng xấu trên mạng xã hội là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực này, đảm bảo môi trường mạng văn minh, an toàn, lành mạnh và hướng thiện.