Vụ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ hàng trăm tỷ: Hàng xóm nói gì?

Ngày 06/07/2020 07:15 AM (GMT+7)

Sau thông tin bà Thương, nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ số tiền trên 100 tỷ, nhiều chủ nợ đã kéo đến nhà riêng của bà này đòi tiền. Hiện, có một số nạn nhân tìm đến cơ quan công an trình báo.

Nhân viên ngân hàng vỡ nợ hàng trăm tỷ

Sáng 5/7, thông tin với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, 1 lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cho biết: "Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát Hình sự thụ lý điều tra vụ vỡ nợ hơn 100 tỷ đồng tại TP.Pleiku. Trước đó, vụ việc được giao cho đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Pleiku xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, với số tiền lớn và với mức độ nghiêm trọng của vụ việc nên hồ sơ đã được chuyển lên phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh.

Trao đổi với PV, 1 cán bộ Công an phường Hoa Lư cho biết: "Chiều 27/6, bà Lê Thị Thương, SN 1988, trú tại 31/18 Ama Quang, phường Hoa Lư, nhân viên hợp đồng của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Gia Lai đã đến cơ quan công an thông báo về việc có vay của nhiều cá nhân với số tiền hơn 100 tỷ đồng để làm ăn. Tuy nhiên, hiện tại, gia đình không đủ khả năng trả cho các chủ nợ. Bên cạnh đó, lo sợ có chuyện không hay xảy ra, bà Thương cũng đề nghị phía cơ quan công an bảo vệ gia đình bà".

Theo vị này, bà Thương khai nhận đã vay một số cá nhân ở TP.Pleiku như: Bà H. (ngụ phường Phù Đổng) hơn 100 tỷ, vay bà H. (ngụ phường Hoa Lư) 8 tỷ; vay của ông T. (chưa rõ nơi cư trú) 10 tỷ; vay bà S. (ngụ phường Ia Kring) 4,79 tỷ.

Vụ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ hàng trăm tỷ: Hàng xóm nói gì? - 1

Nhiều chủ nợ tìm đến nhà bà Thương để đòi nợ. Tuy nhiên, ngôi nhà cửa đóng then cài.

Sau khi thông tin bà Thương vỡ nợ được lan truyền, dư luận phố núi không ngớt xôn xao, bàn tán. Cũng từ đây, nhiều người đã cho bà Thương vay tiền khi nghe tin vô cùng bàng hoàng, lo lắng. Do đó, nhiều chủ nợ tìm đến nhà riêng của bà Thương nhưng tất cả đều ra về trong ấm ức vì nhà bà Thương khóa trái cửa, không thể liên lạc được với ai.

Để tìm hiểu thông tin về vụ việc PV cũng tìm đến nhà riêng của bà Thương, nhân vật chính trong câu chuyện trên. Khi PV có mặt, nhà của bà này vẫn đang khóa trái, cả gia đình đi đâu không ai biết. Trao đổi với PV, chị D. (một người hàng xóm sống bên cạnh nhà bà Thương) cho biết: "Ban đầu tôi thấy rất lạ, bởi trong một ngày có rất nhiều người đến đây, ai cũng hỏi nhà của Thương. Sau này, nghe mọi người kháo nhau chuyện Thương vay tiền của nhiều người hơn 100 tỷ giờ không có khả năng trả, tôi mới ngỡ ngàng. Nhà Thương đấy, ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, vợ chồng làm nhân viên ngân hàng sáng đi, tối về. Thường ngày, vợ chồng ít tiếp xúc với hàng xóm nhưng thỉnh thoảng gặp, trò chuyện, tôi thấy vợ chồng chị này đàng hoàng, lịch sự. Cả xóm này ai cũng ngỡ ngàng không biết Thương vay tiền để làm gì mà nhiều như thế. Hôm qua, tôi thấy vợ chồng Thương vẫn ở nhà, nhưng đến sáng nay thì không thấy vợ chồng và 2 đứa con nữa".

Rời khỏi nhà bà Thương, PV tìm đến nhà những người trước đó đã cho bà Thương vay tiền để ghi nhận thêm thông tin. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, hoặc vì sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn, những người này từ chối cung cấp thông tin. PV gặp được bà H. (ngụ phường Hoa Lư), một trong những người đã cho bà Thương vay tiền đồng ý chia sẻ thông tin. Bà H. buồn bã cho hay: “Vì biết vợ chồng bà Thương đều làm ở ngân hàng lớn nên giữa tháng 6/2020, tôi đã cho bà Thương vay gần 3 tỷ. Thương hứa hẹn sẽ thanh toán cho tôi lãi cao và sẽ trả tiền gốc đúng hẹn. Mấy hôm sau, không thấy bà Thương trả tiền, tôi đến hỏi thì Thương cáo ốm và hứa sẽ xoay xở để trả. Đến sáng 30/6, tôi đến nhà bà Thương thì không gặp, gọi điện thì chuông đổ nhưng không ai bắt máy. Không chỉ có mình tôi mà còn có rất nhiều người khác cũng tìm đến đòi nợ”.

Người cho vay nhiều nhất lên đến hơn 100 tỷ

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết: "Sau khi nắm thông tin 1 nữ nhân viên hợp đồng ngân hàng trình báo về việc vay hơn 100 tỷ đồng của nhiều người nhưng mất khả năng chi trả, UBND TP.Pleiku đã giao cho Công an TP.Pleiku khẩn trương xác minh vụ việc".

Theo ông Quế, Công an TP.Pleiku đã tiến hành làm việc với bà Thương nhưng trong các buổi làm việc, bà này đều nêu lý do không đảm bảo sức khỏe để cung cấp thông tin cho cơ quan công an. Do đó, Công an TP. Pleiku đang tiếp tục xác minh. UBND TP.Pleiku giao công an kịp thời nắm bắt tình hình, nếu xảy ra mất an ninh trật tự, cần có phương án xử lý kịp thời.

Vụ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ hàng trăm tỷ: Hàng xóm nói gì? - 2

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai, nơi vợ chồng bà Thương làm việc. Theo lãnh đạo ngân hàng, sau khi xảy ra vụ việc vợ chồng bà Thương đều xin nghỉ phép.

Ở một diễn biến khác, hiện có 1 người đàn ông tên T., trú tại xã Diên Phú, TP. Pleiku đến cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh trình báo về việc cho bà Lê Thị Thương vay tiền nhưng bà Thương không trả như hứa hẹn. Theo đơn trình báo, ông T. cho bà Thương vay 12,7 tỷ đồng. Sau khi nhận đơn của ông T., cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi của bà Thương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.

Theo khai báo của bà Thương, người cho bà vay với số tiền lớn nhất là bà C.N.D.H, SN 1985, trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku. Bà H. là nhân viên kế toán tại ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai. Trong giấy vay tiền giữa bà Thương và bà H. ngày 29/5 thể hiện bà Thương đã vay số tiền 133,689 tỷ nhưng không thể hiện ngày thanh toán và mức lãi suất. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Ngữ, Phó Giám đốc phụ trách ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai cho biết: “Bà H. là kế toán nội bộ, không liên quan đến hoạt động tín dụng, không thể có việc mang tiền của ngân hàng đi cho người khác vay. Việc bà H. cho vay mượn bên ngoài cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Đơn vị đã làm việc, bà H. thừa nhận có dùng số tiền của gia đình để cho bà Thương mượn nhưng không nói rõ số tiền bao nhiêu”.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Thái Quốc Toản, văn phòng Luật sư Bình Minh, TP.Pleiku cho biết:"Để đòi quyền lợi chính đáng cho mình, các chủ nợ cần hiểu rõ các trường hợp sau: Thứ nhất, nếu những người cho bà Thương vay tiền để làm ăn thì đây là giao dịch dân sự. Chủ nợ làm đơn khởi kiện gửi ra tòa, nhờ tòa án can thiệp giải quyết. Thứ hai, nếu người cho bà Thương vay tiền thấy bà này có dấu hiệu lừa đảo thì có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Cảnh sát điều tra để đề nghị làm rõ. Về phía bà Thương, nếu đã biết bản thân không có khả năng chi trả nhưng vẫn cố tình mượn tiền của nhiều người thì rõ ràng là hành vi lừa đảo".

Vụ nhân viên kế toán tuyên bố vỡ nợ 200 trăm tỷ: Người cho vay 13 tỷ đến trình báo
Liên quan vụ nữ nhân viên kế toán tuyên bố vỡ nợ gần 200 tỷ ở Gia Lai, hiện có 1 nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo việc cho bà Lê Thị Thương...
Theo Hồ Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h