Sự việc đã xảy ra 3 năm nhưng ký ức về vụ nổ kinh hoàng khiến 6 người tử vong vẫn ám ảnh những người chứng kiến cho đến tận bây giờ.
Gần 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), giờ đây ngôi nhà nơi hai vợ chồng quê Nam Định thuê để làm kho thu mua phế liệu, cũng chính là nơi phát ra vụ nổ vẫn khóa cửa im lìm, không có người đến ở.
Những ngôi nhà xung quanh vẫn nham nhở những vết tích của vụ nổ năm xưa mà chưa được sửa chữa. Đó là những mảnh tường bị nứt toác, những chiếc cửa sổ vỡ nát còn nham nhở những tấm kính sắc nhọn.
Hình ảnh cửa kính vỡ lởm chởm và những bước tường nhuốm màu rêu phong.
Qua thời gian, những ngôi nhà gần hiện trường vụ nổ năm xưa bị rêu bám xám xịt, nhuốm màu u tối vì không có người sinh sống. Có lẽ điều thay đổi duy nhất ở khu vực này đó là hố bom ở trước ngôi nhà số 16 khu TT9 đã được đổ bê tông và san lấp bằng phẳng.
Khi đi qua khu vực này, chúng tôi cảm nhận được vẻ lạnh lẽo toát ra từ những căn nhà. Đối với người dân đang sinh sống ở đây, vì cuộc sống mưu sinh họ phải bám trụ lại, nhưng chưa lúc nào họ hết ám ảnh về những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ nổ vẫn không có người đến ở.
“Từ khi xảy ra vụ nổ, ai đi qua đây cũng ngước nhìn những vết tích còn sót lại năm xưa, sau đó phóng xe đi thật nhanh qua khỏi khu vực này. Rồi những người trước đó thuê nhà để ở, sau vụ nổ họ lần lượt chuyển đi chưa một lần quay trở lại”, một người dân sống ở khu vực này cho biết.
Dù sự việc đã xảy ra đã 3 năm nhưng chị Phạm Thị M. (36 tuổi) sống đối diện với ngôi nhà số 16 vẫn nhớ như in giây phút xảy ra sự việc. Chị cho biết, ám ảnh về những thi thể không nguyên vẹn sau vụ nổ có lẽ sẽ đi theo chị cả cuộc đời, không dễ gì xóa nhòa được.
Những ngôi nhà bị áp lực của vụ nổ hư hỏng nặng.
Theo lời chị M., sự việc xảy ra khoảng 15h ngày 19/3/2016. Khi đó, cả nhà chị đang ngủ thì nghe thấy tiếng nổ rất lớn, khi chạy ra thì thấy cảnh tượng tan hoang, gạch đá bay tứ tung, nhiều người nằm trên mặt đất.
“Tôi còn nhớ, khi vừa xảy ra vụ việc, thi thể của những nạn nhân xấu số không còn nguyên vẹn, có mấy người dân đã đi nhặt những phần rơi vãi vào trong một chiếc xô nhựa đặt cạnh nơi xảy ra vụ việc. Khói hương và khói bụi hòa cùng với nhau nghi ngút một góc trời”, chị M. nhớ lại.
Những hình ảnh đau thương còn ám ảnh mãi những người dân nơi đây. Ảnh Trần Ngọc Kha.
Trong số các nạn nhân, chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1994, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) là người vừa qua đời hôm 6 Tết năm 2018, sau 2 năm kể từ ngày xảy ra sự việc.
Suốt 2 năm đó, dù chị Lệ được gia đình đưa đi khắp nơi chữa trị nhưng tình trạng không cải thiện, chị phải sống thực vật cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Điều đau xót nhất đối với người mẹ trẻ này đó là ngày chị ra đi các con chị vẫn còn quá nhỏ, chúng chưa hề biết rằng mẹ đã qua đời.
“Hai năm vợ tôi gặp nạn, hai đứa con xa mẹ quá lâu và lúc đó cả hai còn quá nhỏ nên không thể biết được chuyện gì. Giờ chúng vẫn không thể biết mẹ đã mất, chắc sau này lớn lên khi nhận thức được, hai con tôi sẽ đau khổ lắm”, chồng chị Lệ chia sẻ.