Sau vụ nổ ở Văn Phú: Mẹ trẻ thiệt mạng, con nhỏ bơ vơ

Ngày 21/03/2016 11:34 AM (GMT+7)

Chiều 20/3, ghi nhận của PV báo GĐ&XH cho thấy, tại khu vực xảy ra vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường để tiến hành điều tra. Một số người dân có nhà hư hỏng nhẹ đã được về quét dọn với những tâm trạng hết sức bức xúc và bất an.

Cần phải có biện pháp quản lý

Một ngày sau vụ nổ, người dân vẫn tập trung đông đảo chung quanh khu vực hiện trường và bàn tán về sự việc xen lẫn là những ánh mắt đầy lo âu. Anh Nguyễn Xuân Sinh, một cư dân sống trong khu đô thị Văn Phú (nhà cách hiện trường khoảng 100 mét) bức xúc: “Tôi rất đau xót khi tận mắt chứng kiến vụ nổ tang thương này. Qua vụ việc mới thấy việc quản lý ở đây quá kém. Trách nhiệm trước hết thuộc về những người trực tiếp quản lý hàng ngày khi để người dân mang vật liệu nổ vào khu đô thị. Đành rằng việc kinh doanh sắt vụn hay cho thuê nhà là quyền của người dân thế nhưng chính quyền cũng phải có biện pháp kiểm tra đối với những vật liệu có khả năng gây nổ chứ?”.

Sau vụ nổ ở Văn Phú: Mẹ trẻ thiệt mạng, con nhỏ bơ vơ - 1

Vụ nổ kinh hoàng làm 4 người chết, 10 người bị thương. Ảnh: Cao Tuân

Bà Dung ở căn hộ số 94 bên đường đối diện dãy nhà xẩy ra vụ nổ chia sẻ: “Nhà tôi mua chưa ở nhưng cũng bị hư hỏng nặng vì vụ nổ. Theo ước tính hư hại do ảnh hưởng cũng lên đến khoảng 100 triệu đồng”. Trước cái “họa vô đơn chí” ập đến, bà Dung bày tỏ sự cảm thông khi người cưa vật liệu nổ đã tử nạn. Thế nhưng, hiện tại bà đã nghỉ hưu nên số tiền để sửa chữa nhà do vụ nổ là quá khó khăn. Đến nay, bà Dung cùng nhiều người dân khác ở chung quanh nơi gặp nạn chỉ còn hy vọng được cơ quan chức năng hỗ trợ phần nào đó giúp khắc phục hậu quả.

Sau vụ nổ ở Văn Phú: Mẹ trẻ thiệt mạng, con nhỏ bơ vơ - 2

Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng chính quyền địa phương có phần buông lỏng quản lý đối với các hộ dân kinh doanh phế liệu.

Riêng bà Nguyễn Thị Hiền (58 tuổi), người dân có nhà bị hư hại trong vụ nổ bày tỏ: “Tôi kiến nghị chính quyền các cấp phải có biện pháp quản lý thế nào cho an toàn. Nếu vụ nổ hôm rồi xảy ra ở khu dân cư đông đúc thì không biết thiệt hại sẽ ra sao. Cũng may mà hôm qua là thứ Bảy, thời gian trên cũng ít người đi lại chứ như ngày thường chắc chắn sẽ thiệt hại nặng nề hơn”.

Nỗi đau gia cảnh mẹ con người bán trứng

Cũng trong ngày 20/3, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả điều tra ban đầu về vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trước cửa số nhà 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú. Theo tài liệu điều tra, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ. Hàng ngày, anh mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.

Sáng 19/3, anh Cường nhờ một thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, khối lượng ước trên 100 kg. Quá trình người này cắt phá khối kim loại bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.

Sau vụ nổ ở Văn Phú: Mẹ trẻ thiệt mạng, con nhỏ bơ vơ - 3

Nạn nhân vụ nổ được cứu chữa tại bệnh viện. Ảnh: Võ Thu

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom, nên nghi vấn vật mà anh Cường dùng đèn xì để hàn cắt là quả bom từ thời chiến tranh chưa nổ, được thu mua trong quá trình buôn bán sắt vụn.

Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ danh tính 4 người tử nạn. Cụ thể ngoài anh Cường nói trên còn có các nạn nhân Bùi Chí Quân (53 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) và hai mẹ con chị Đào Thị Soản (31 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) và cháu Đào Tú Quỳnh (7 tuổi).

Qua tìm hiểu của PV được biết, chị Đào Thị Soản có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chồng chị hiện đang đi vắng không thể về được còn một cháu nhỏ đang ở nhà. Chị Soản làm nghề buôn, bán trứng, hằng ngày thường đi từ Thanh Oai xuống TP. Hà Nội để giao trứng cho khách kiếm tiền nuôi hai con ăn học. “Hoàn cảnh hai vợ chồng Soản rất khổ cực, chồng đi xa không phụ giúp gì được gia đình. Hằng ngày, Soản đi bán trứng để lấy tiền nuôi hai con ăn học. Buổi chiều, khi nghe tin hai mẹ con nó tử vong mà gia đình chúng tôi không ai dám tin vào sự thật. Khi xuống đến nơi, mọi người trong gia đình rụng rời chân tay. Hiện giờ, gia đình đang lo các thủ tục để đưa hai mẹ con về quê làm lễ khâm liệm”, anh Đào Văn Long (anh rể chị Soản) tâm sự cùng PV trong lúc chờ lo các thủ tục cho em dâu và cháu.

Chiều 20/3, theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH tại Bệnh viện Quân y 103, anh Đặng Cao Thủy (SN 1984 ở Phùng Xá, Thạch Thất) và chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993 ở Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội) – hai nạn nhân bị thương nặng nhất của vụ nổ vẫn đang trong tình trạng bất tỉnh, đa chấn thương. Các nạn nhân khác cũng đang được các y bác sĩ đang tích cực cứu chữa.

Vật liệu nổ tồn sót dễ “khai hỏa” khi bị tác động

Vụ nổ tang thương trên không phải là hy hữu bởi trước đó, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từng xảy ra nhiều vụ việc người dân thiệt mạng do cưa phế liệu gây nổ. Theo các chuyên gia về vật liệu nổ, người dân cần đặc biệt lưu tâm là tất cả số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ khi chúng được thả xuống. Nhưng vì một lý do nào đó cơ chế kích nổ gặp trục trặc chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất.

Theo Cao Tuân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự