“Ai ngờ lần trở về này lại đau đớn đến vậy. Các con tôi hiện tại còn rất nhỏ, thiếu bố chúng nó sống ra sao", chị Hạnh bật khóc khi nói về tương lai.
Một xã có 5 người thiệt mạng
Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, đêm 19/8, do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều hầm vàng tại khu khai thác trên địa bàn thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây đã ngập nước. Đến sáng 20/8, một hầm vàng đã sạt lở khiến nhiều người bị vùi lấp.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã huy động đoàn tìm kiếm vào hiện trường, nhưng đường vào các bãi vàng khá hiểm trở, còn cầu dân sinh vào thôn Mà Sa Phìn đã bị lũ cuốn trôi nên công tác tìm kiếm gặp phải nhiều trở ngại.
Mặc dù chính quyền địa phương báo cáo có 2 người chết, tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi thì số người chết và mất tích là hơn 10 người và con số này vẫn chưa dừng lại. Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết, trong số những nạn nhân thiệt mạng có đến 5 người ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Danh sách 5 người chết, 3 người bị thương, 1 người mất tích của xã Cam Cọn, xã bị thiệt hại về người nhiều nhất trong thời điểm hiện tại.
Chiều 23/8, chúng tôi tìm đến xã Cam Cọn để xác minh thông tin. Tới đây, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là bầu không khí tang thương đang bao trùm khắp các bản nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, bà La Thị Liên - Bí Thư Đảng Ủy xã Cam Cọn xác nhận, trên địa bàn của xã có 5 người thiệt mạng, 1 người mất tích và 3 người bị thương hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Cả 5 nạn nhân đều là nam giới.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã xác định được danh tính các nạn nhân thiệt mạng gồm: Hà Văn Thực (sinh năm 1992), Đào Văn Nhung (sinh năm 1966); Bàn Văn Lợi (sinh năm 1999), Trương Văn Nhất (sinh năm 1995), Triệu Văn Bách (sinh năm 1985), người mất tích là anh Bàn Văn Ngân (sinh năm 1999) và 3 người bị thương gồm: Trương Văn Sơn (1993), Bàn Văn Chi và Lý Văn Mão (sinh năm 1984).
“Những nạn nhân xấu số trong xã hiện tại đã được đưa về để an táng. Họ đều là các hộ gia đình dân tộc Dao, gặp rất nhiều khó khăn. Hội Chữ thập đỏ xã có hỗ trợ giúp gia đình lo hậu sự. Bên cạnh đó cũng thăm hỏi, động viên tinh thần người nhà vượt qua mất mát“, bà Liên cho biết thêm.
Chồng chết để lại 3 đứa con thơ và khoản nợ 100 triệu
Một đại diện chính quyền địa phương ở đây cho biết, tất cả những trường hợp thương vong của xã đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó có hoàn cảnh của chị Bàn Thị Hạnh (sinh năm 1985) vợ của nạn nhân Triệu Văn Bách trú tại bản Cam 1 là khó khăn nhất. Người chồng chết để lại cho chị Hạnh 3 đứa con thơ cùng với khoản nợ 100 triệu đồng. Vì quá suy sụp trước cái chết của chồng nên chị này đã đổ bệnh và hiện đang được cấp cứu tại Trạm Y tế của xã.
Tại Trạm Y tế, chị Hạnh nằm bất động một chỗ, trên giường bệnh, người đàn bà này vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của chồng, đôi mắt chị nhòe đi khi chúng tôi nhắc đến cái chết của chồng chị.
Nằm trên giường bệnh chị Hạnh mấp máy kể: “Tôi và anh Bách mới cưới nhau được mấy năm, trước khi cưới nhau chồng tôi đã có 2 người con riêng, lấy nhau được 1 năm thì chúng tôi sinh được một người con chung. 2 vợ chồng quanh năm chỉ biết cắm mặt làm đồng và nuôi thêm vài con gà, con lợn nên cuộc sống rất khó khăn.
Bàn Thị Hạnh (sinh năm 1985) vợ của nạn nhân Triệu Văn Bách chưa hết bàng hoàng trước cái chết đột ngột của chồng.
Năm ngoái sau khi ăn tết xong, chúng tôi liều mình vay mượn hơn 100 triệu đồng để làm nhà. Sau khi làm nhà xong thì chồng tôi nói sẽ đi làm vàng để lấy tiền trả nợ. Trước khi đi làm tôi có hỏi chồng đi làm ở đâu thì chồng không nói, chỉ dặn dò tôi ở nhà chăm sóc mấy đứa con, lâu lâu sẽ về thăm. Từ lúc chồng đi tới giờ anh ấy chỉ về thăm mẹ con tôi một lần, lần đấy anh ấy có cầm về được ít tiền để lợp lại mái nhà.
Hôm 20/8 vừa qua, tôi đang làm ngoài vườn thì nghe một người thân nói, hầm vàng chỗ chồng tôi làm vừa bị lũ đánh sập, không biết chồng sống chết ra sao. Sau khi nghe tin dữ tôi vội vàng chạy vào nhà tìm điện thoại để gọi điện cho chồng nhưng gọi mãi không liên lạc được với anh ấy. Lúc đấy linh cảm tôi mách bảo rằng, chồng mình gặp chuyện chẳng lành rồi.
Đến ngày 21/8, tôi nhận được tin báo là chồng mình đã thiệt mạng và xác anh ấy đang được đưa về nhà. Tôi ngã quỵ xuống và ngất đi lúc nào không biết, lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong trạm y tế xã rồi”.
Chị Hạnh cho biết thêm, hôm đưa chồng về đến nhà chị cũng không còn đủ sức để lo đám tang cho chồng nữa, vì khi ấy chị đang truyền nước và không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ và nhờ người thân đến lo hậu sự cho chồng mình.
“Ai ngờ lần trở về này lại đau đớn đến vậy. Các con tôi hiện tại còn rất nhỏ, thiếu bố chúng nó sống ra sao. Giờ chồng chết rồi, anh ấy là lao động chính trong nhà, tôi thì lại đau ốm suốt nên không biết lấy tiền đâu để nuôi 3 đứa con nhỏ với trả nợ số tiền hơn 100 triệu đây. Số tiền đấy quá lớn đối với tôi, tôi không biết phải đối diện với nó như thế nào”, chị Hạnh bật khóc khi nói về tương lai.