Mỗi thi thể nạn nhân tử vong được đưa ra bằng đường rừng, nhóm người dân được trả từ 10-15 triệu đồng”.
Trưa 23/8, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có mặt tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn (Lào Cai) – nơi xảy ra vụ sập mỏ khai thác vàng khiến nhiều người thương vong. Mặc dù chính quyền địa phương báo cáo có 2 người chết, tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi, hiện tại đã có ít nhất 9 người chết và mất tích. Số người tử nạn vẫn chưa có con số chính thức.
Tiếp xúc với những người dân ở thôn Nà Đoong – nơi có cây cầu dân sinh Nậm Xây Luông bắc qua suối Luông hiện đã bị cơn lũ quét cuốn phăng vào đêm 19/8 chúng tôi nhận được những ánh mắt hoang mang, sợ hãi. Một chủ cửa hàng tạp hóa cho hay: “Có rất nhiều người chết trong đêm hôm đó chứ không phải một vài người. Hàng ngàn mét khối đất đá đổ ụp xuống thì tránh sao nổi”.
Anh Bàn Tòn Sang, trú tại thôn Nà Đoong xã Nậm Xay tiết lộ thông tin với phóng viên: “Tận mắt tôi đã nhìn thấy họ khiêng 3 thi thể từ trong khu mỏ qua cây cầu này. Nghe nói có nhiều người chết lắm. Một số, họ đã khiêng bằng đường rừng ra, và mỗi thi thể khiêng ra đến đây được trả từ 10-15 triệu đồng”.
Giống như anh Sang, một phụ nữ người địa phương cho biết thêm: “Tôi đã từng đi làm nương qua khu vực khai vàng này và chứng kiến rất nhiều người khai thác vàng tại đây. Trước khi có sạt lở đất, vùng đất này đã xảy ra tình trạng lở, nứt. Tuy nhiên tôi vẫn thấy có hàng trăm người dựng lán làm việc tại đây”’.
Theo ghi nhận của phóng viên, để đến được bãi vàng Ma Sà Phìn chỉ có một con đường độc đạo đi qua cầu Nậm Xây Luông. Từ điểm này, muốn đến điểm sạt lở phải đi xe ôm khoảng 1 tiếng đường rừng và đi bộ chừng 3 – 4 tiếng mới đến được nơi xảy ra vụ sạt lở. Theo tính toán của người dân địa phương, quãng đường từ trung tâm xã vào thôn Ma Sà Phìn có độ dài khoảng 22km. Sau trận lũ quét vừa qua đã gây sạt lở tất cả đường giao thông. Để đi vào đây chỉ còn cách đi bộ.
Các phu vàng may mắn thoát chết vừa thoát khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Cao Tuân
Trong buổi trưa 23/8, nhiều tốp phu vàng sau khi thoát ra từ khu khai thác vàng Sà Ma Phìn đã vội vã tìm đường về quê. Đây là những thanh niên có độ tuổi còn khá trẻ tầm 16-17 tuổi đầu. Nhiều người trong số họ quê ở tỉnh Lai Châu, Yên Bái…
Bằng khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, xen lẫn sự sợ hãi, nam thanh niên tên Lềnh 17 tuổi, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: “Đêm 19/8, khi tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng động ầm ầm nên choàng tỉnh dậy và chạy ra ngoài”.
Lềnh cũng cho hay, mỗi tháng được chủ trả cho 4 triệu đồng tiền lương, công việc là đào đãi vàng tại bãi vàng ở Ma Sà Phìn. “Đã có rất nhiều người chết trong vụ sạt lở vừa qua”, Lềnh khẳng định với PV.
Công tác cứu hộ được công ty khai thác vàng thuê những người dân tại đây tìm kiếm, với chi phí thuê tìm 1 thi thể là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác di chuyển thi thể các nạn nhân ra ngoài gặp rất nhiều khó khăn, do phong tục tập quán của người dân tộc nơi đây, không cho di chuyển các thi thể đi qua bản của họ.
Theo ghi nhận của phóng viên, công trường khai thác vàng rộng tới vài trăm héc ta, tuy nhiên đội cứu hộ chỉ mới tiếp cận được một góc nhỏ của công trường.
Bên cạnh đó, việc xác định chính xác số lượng người chết ở thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn, về phía cơ quan chức năng né tránh cung cấp thông tin chính xác cho báo chí.
Được biết, đến trưa 23/8, do có mưa lớn gây sạt lở nên mọi công tác tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân bị sạt lở, lũ cuốn mất tích đã tạm thời dừng lại.
Một số hình ảnh do phóng viên ghi nhận: