Sau khi đám cưới xong xuôi, người phụ nữ mới biết mình không chỉ lấy một người chồng mà là 3 người chồng. Cô bị ép phải quan hệ tình dục và sinh con với 2 anh trai của chồng - những người không thể tìm được vợ.
Khi được gả tới một gia đình ở một ngôi làng thuộc quận Baghpat, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, cô dâu trẻ Munni chưa từng nghĩ rằng mình sẽ bị ép quan hệ tình dục và sinh con với 2 người anh khác của chồng - những người gặp khó khăn trong chuyện tìm vợ. Chỉ sau khi đám cưới xong xuôi, cô mới được nghe tin "sét đánh ngang tai" này.
"Chồng tôi và bố mẹ anh ta nói rằng tôi phải chia sẻ bản thân với các anh em khác của anh ấy. Họ bắt tôi phục vụ bất cứ khi nào họ muốn, bất kể ngày hay đêm. Khi tôi chống cự, họ sẽ đánh tôi dã man. Đôi khi, họ đuổi tôi ra ngoài đường ngủ, hoặc đổ dầu lên người và dọa thiêu sống tôi", người phụ nữ 40 tuổi, mặc bộ sari (trang phục truyền thống Ấn Độ) màu vàng, ngồi đăm chiêu kể lại.
Những trường hợp như cô Munni rất hiếm khi được báo với cảnh sát vì quan niệm trọng nam khinh nữ đã quá ăn sâu. Phụ nữ tại đây ít khi được ra ngoài mà không có người đi kèm, phải chịu sự kỳ thị và đàn áp khủng khiếp, gần như không có nhân quyền. Cô Munni không phải là nạn nhân duy nhất.
Ảnh minh họa.
Cô Munni đã có 3 con trai với chồng và 2 người anh trai của anh ta. Chính cô cũng không biết 3 đứa con này chính xác là con của ai. Tuy nhiên, cô cũng chọn cách không báo cảnh sát bởi biết sẽ không có gì thay đổi.
Các nhân viên xã hội cho biết, do quan niệm trọng nam khinh nữ và nền văn hóa gia trưởng sâu sắc, nhiều bé gái sơ sinh đã bị nạo phá thai, dẫn đến sự sụt giảm dân số phụ nữ ở một số vùng của Ấn Độ. Từ đó, những vụ hiếp dâm, buôn người và sự xuất hiện tệ nạn "chung vợ" giữa các anh em trong cùng một gia đình ngày càng gia tăng.
Bhagyashri Dengle, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Plan India cho biết: "Chúng tôi đã nhìn thấy những tác động khủng khiếp của việc giảm số lượng phụ nữ trong một số cộng đồng. Chúng ta phải coi đây là một dấu hiệu cảnh báo và chúng ta phải làm gì đó để giải quyết vấn đề đó. Nếu không, phụ nữ sẽ càng tăng nguy cơ bị bắt cóc, hãm hiếp và nhiều điều khủng khiếp hơn".
Tại thủ đô New Delhi, nơi có những tòa tháp lấp lánh và những trung tâm mua sắm sang trọng, những cô gái mặc quần bò, đi xe máy, giữa những vị trí quan trọng trong xã hội. Thế nhưng quận Baghpat chỉ cách đó 2h lái xe, phụ nữ ở trong một thế giới khác hẳn. Họ luôn phải che kín mặt, bị giới hạn trong khuôn viên ngôi nhà, có nhiệm vụ làm việc nhà và nuôi con, đồng thời bị cấm ra khỏi cửa nếu không có người đi kèm. Trong khi đó, những người đàn ông đang làm nông ngồi thảnh thơi trên những cánh đồng, uống trà, hút thuốc và than thở về việc thiếu cô dâu cho con và cháu trai.
Theo điều tra dân số năm 2011 của Ấn Độ, chỉ có 858 phụ nữ trên 1.000 đàn ông ở quận Baghpat, so với tỷ lệ giới tính quốc gia là 940. "Làng nào cũng có ít nhất 5-6 người đàn ông chưa có vợ. Trong một số gia đình, có tới 3-4 người đàn ông không tìm được vợ. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Không ai công khai thừa nhận điều đó, nhưng chúng ta đều biết chuyện gì đang xảy ra. Một số gia đình mua cô dâu từ nơi khác, cũng có một số gia đình ép một cô dâu phải sống với nhiều anh em trai", ông Shri Chand, 75 tuổi, một cảnh sát đã nghỉ hưu, chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Phụ nữ từ các khu vực khác như các bang Jharkhand và Tây Bengal kể về việc gia đình nghèo của họ được những người đàn ông trung lưu trả số tiền ít nhất là 15.000 rupee (hơn 4,7 triệu đồng) rồi đưa họ tới đây để sống một cuộc sống khác, nền văn hóa khác. Cô Sabita Singh, 25 tuổi, người được đưa đến từ một ngôi làng ở Tây Bengal năm 14 tuổi để kết hôn với người chồng hơn cô 19 tuổi, nói: "Ban đầu thật khó, có quá nhiều thứ để học và tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ nghĩ mình đến đây để chơi, nhưng giờ tôi đã quen với điều đó. Tôi nhớ sự tự do của mình".
Thực tế, việc phụ nữ bị mua bán, chịu cảnh chung chồng hay hãm hiếp đều là bất hợp pháp, tuy nhiên những tội ác này đang dần được "chấp nhận hóa" trong một số cộng đồng vì nhiều lý do, tiêu biểu như nạn nhân ngại nói ra hoặc những người xung quanh không muốn can thiệp.
Một số người còn cho rằng tập tục anh em chung vợ có nhiều lợi ích, chẳng hạn như tránh được việc phân chia đất đai và tài sản của gia đình cho những người thừa kế. Hoặc nó có thể giải phóng các gia đình nghèo có con gái khỏi yêu cầu đòi của hồi môn "khủng" từ nhà trai.
Bất chấp luật pháp quy định việc kiểm tra giới tính trước khi sinh là bất hợp pháp, cuộc điều tra dân số năm 2011 của Ấn Độ cho thấy những nỗ lực nhằm hạn chế phụ nữ phá thai đều vô ích. Nghiên cứu hồi tháng 5/2011 của tạp chí Lancet cho thấy có tới 12 triệu trẻ em gái Ấn Độ bị phá thai trong 3 thập kỷ qua.
Việc phá vỡ những niềm tin lâu đời, ăn sâu vào tâm trí người dân là không hề dễ dàng. Người ta vẫn cho rằng nam giới là người thống trị, là trụ cột của gia đình, sẽ chăm sóc và nối dõi gia đình, thờ cúng tổ tiên - một nghi lễ quan trọng trong nhiều tín ngưỡng. Trong khi đó, con gái lại khiến bố mẹ phải trả một số lượng của hồi môn lớn khi gả chồng. Nếu quan hệ tình dục trước hôn nhân, họ sẽ bị coi là nỗi nhục nhã ê chề cho gia đình, bị xã hội quay lưng.
Neelam Singh, người đứng đầu Vatsalya - một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ làm việc về các vấn đề của trẻ em và phụ nữ cho biết: “Giải pháp thực sự là trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ bằng mọi cách có thể. Chúng tôi cần cung cấp cho họ khả năng tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các cơ hội giúp họ đưa ra quyết định cho chính mình và chống lại những kẻ tìm cách lạm dụng hoặc bóc lột họ".