Mong nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ muôn đời, người dân đã vượt đèo, lội nước mong vào được khu an táng. Có gia đình lập bàn thờ viếng ngay tại bờ biển...
Chuyên cơ ATR 72 mang số hiệu VN103 của Hãng Hàng không Việt Nam chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con xa xứ về đất mẹ quê hương hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) lúc gần 12h trưa ngày 13/10, nhưng từ trước đó rất lâu, người dân đã đứng kín hai bên đường từ Đồng Hới đi Vũng Chùa (Quảng Trạch) – an tán táng Đại tướng. Trời miền Trung nắng gắt, đoạn đường dài hơn 60 km... nhưng hàng trăm nghìn người vẫn theo đoàn xe tang về Vũng Chùa.
Anh Nguyễn Văn Lộc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết, dù đã viếng Đại tướng ở nhà lưu niệm An Xá (huyện Lệ Thủy), nhưng anh vẫn có một ước nguyện cháy bỏng là tận mắt chứng kiến giây phút Đại tướng trở về lòng đất mẹ.
Quãng đường đi dài, từng đoàn xe nối đuôi nhau nhích dần từng chút một. Lượng người đổ ra đường đón đoàn xe tang mỗi lúc một đông. Ước tính, số người ra đón Đại tướng lên đến hàng trăm nghìn người. Tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có nơi tắc đến 3-4km như khu vực cầu Sông Gianh, thị trấn Ba Đồn, khu vục cầu Khe Chay xã Quảng Đông.
17h cùng ngày, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc, dòng người đổ về Vũng Chùa vẫn chưa dừng lại. Các đoàn khách viếng Đại tướng đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... vượt hàng trăm km đường đến đây đang xếp thành hàng ô tô dài bất tận.
Trong khi đó, hàng vạn người trên xe máy vẫn cố tìm cho mình một khoảng trống để tiến về phía Vũng Chùa. Không chỉ đi bằng đường Quốc lộ 1, người dân vượt đèo, lội nước... tìm đủ cách tiến sát Vũng Chùa. Có gia đình nói rằng là họ bên ngoại của Đại tướng ở Nghệ An, biết rằng không thể tiếp cận được nơi an nghỉ của người cha chú nên đã chuẩn bị sẵn một bàn thờ, dựng phía bên ngoài để mọi người trong đoàn thắp hương tưởng nhớ.
Anh Bùi Nam Hậu – trưởng đoàn cho biết, đoàn có 4 xe ô tô với 220 người đi từ Nghệ An vào đây từ sáng sớm. 4 xe ô tô của đoàn được đặt tên lần lượt là 30-45-54-75. Theo anh Hậu, đây là những con số đánh dấu những cột mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Dọc tuyến đường đến khu hành lễ, nhân dân đã tự lập bàn thờ có di ảnh Đại tướng để người đi đường được vào thắp hương.
Đoàn quê ngoại của Đại tướng từ Nghệ An không thể tiếp cận được nơi an nghỉ Đại Tướng đã lập bàn thờ dưới chân núi sát bờ biển, cách nơi an nghỉ gần 1 km
Những người trong đoàn thành tâm viếng trước bàn thờ Đại tướng vừa được lập tại bờ biển Vũng Chùa
Dọc đường Quốc lộ 1A từ Đồng Hới đến Vũng Chùa có nhiều gia đình lập bàn thờ Đại tướng.
Đường tắc, nhiều chuyển sang đi bộ, vượt đèo
Gia đình này nói rằng, dù khó khăn đến mấy cũng phải một lần trông thấy nơi an nghỉ của Đại tướng trên quê hương mình
Đoàn người ngồi nghỉ ngơi trên đèo
Đường tắt vào Vũng Chùa
Có chứng kiến sự quyết tâm của gia đình này mới thấy được mong muốn lớn lao vào viếng Đại tướng của người dân
Lễ an táng Đại tướng kết thúc lúc 17h nhưng dòng người từ khắp các ngả đường: bộ, đèo, biển... vẫn kéo về Vũng Chùa
Trời gần tối, dòng người về viếng Đại tướng vẫn xếp hàng dài vô tận