Khi thấy con chậm nói hoặc không nói, nhiều gia đình vội vàng đưa đến viện điều trị, đa số các gia đình cho rằng trẻ mắc chứng tự kỷ hoặc có vấn đề về ngôn ngữ.
Hiện nay trong xã hội hiện đại, có không ít gia đình vì mải làm ăn, kiếm tiền mà giao phó toàn bộ việc chăm sóc trẻ cho giúp việc hoặc chi thật nhiều tiền để gửi con từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, điều đó sẽ khiến trẻ mắc phải những vấn đề rất lớn về ngôn ngữ.
Điển hình như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Thành An và chị Hoàng Ngọc Thủy (ở Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội). Theo đó, khi con được 6 tháng tuổi, chị Thủy đã phải đi làm, công việc kinh doanh khiến cả hai vợ chồng bận rộn. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng sáng đi làm từ khi con chưa ngủ dậy, tối về nhà khi con đã ngon giấc.
Đối với đứa con gái bé bỏng của anh chị, từ việc chăm sóc vệ sinh đến ăn uống hàng ngày đều giao cho giúp việc. Có thể nói cuộc sống của con chị Thủy không thiếu thứ gì về vật chất, nhưng cái thiếu thốn duy nhất chính là hơi ấm của cha mẹ.
Khi con chị Thủy đến tuổi tập nói, lúc đầu con cũng giống như bao đứa trẻ khác, cũng bập mẹ gọi cha, gọi mẹ… Nhưng không hiểu sau đến khi được 3 tuổi cháu nói rất ít, không đủ từ để diễn đạt ý muốn, đặc biệt là cứ gặp người lạ là cháu lại chạy đi trốn, người thân duy nhất của cháu là cô giúp việc.
Quá lo lắng, gia đình đã đưa cháu đi khám, qua tìm hiểu gia cảnh và kiểm tra tâm lý cháu, các bác sĩ khẳng định cháu bé mắc hội chứng xa mẹ hay còn gọi là hội chứng chia ly. Sau khi có kết luận và đưa ra hướng điều trị, chị Thủy đã phải bỏ hẳn công viêc để ở nhà chăm con, sau khoảng 1 năm con chị đã có tiến bộ rõ rệt về mặt ngôn ngữ cũng như giao tiếp với người lạ.
Những trường hợp như con chị Thủy không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng đã tiếp nhận không ít trường hợp mắc hội chứng này. Thậm chí nhiều gia đình còn bị nhầm lẫn trẻ mắc bệnh tự kỷ đưa đến viện để điều trị.
Không phải tất cả các trẻ chậm nói đều mắc tự kỷ.
Ths.BS Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm bệnh, cho biết khoa đã từng tiếp nhận một cháu bé khoảng 2 tuổi, có vấn đề về ngôn ngữ, được gia đình đưa vào khoa khám vì nghi ngờ mắc bệnh tự kỷ.
“Với những triệu chứng điển hình, chúng tôi cũng nghi ngờ cháu mắc tự kỷ và cho vào khoa điều trị 3 đợt, sau khi điều trị cháu không có tiến triển khả thi, nên các bác sĩ cũng nghi ngờ về việc việc cháu mắc tự kỷ”, BS Minh chia sẻ.
BS Minh cho biết thêm, qua quá trình cháu điều trị tại viện, trực tiếp bác sĩ Minh quan sát thì chỉ thấy ông bà và bố đưa cháu đến viện. Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình thì mới biết, cháu xa mẹ từ khi mới được 6 tháng tuổi.
“Theo chia sẻ của gia đình, từ khi cháu được 6 tháng, mẹ cháu đi làm ở Đài Loan, trong thời gian đó cháu ở với ông bà và bố. Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình, chúng tôi nhận định cháu mắc hội chứng xa mẹ, hay còn gọi là hội chứng chia ly. Đây là một hội chứng đã được khoa học ghi nhận”, BS Minh nhận định.
Đúng như nhận định của các bác sĩ, sau thời gian đi làm ở Đài Loan về, được gần mẹ cháu bé đã có những tiến triển rất tốt, một thời gian sau cháu nói và hoạt động bình thường như những đứa trẻ khác.
Từ những trường hợp trên, các chuyên gia cho rằng, trong khoảng thời gian đầu đời của trẻ, việc gần gũi, yêu thương trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nhận thức, cũng như hình thành ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, dù bố mẹ có bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian chơi và quan tâm đến con.