Ngày 4-8, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, đã chính thức lên tiếng về việc việc HĐND tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỉ đồng.
Theo đó, phát biểu với tư cách cá nhân, ông Tân cho hay cần phải kiểm tra lại thông tin đó có chính xác không, nếu chính xác thì cần phải cân nhắc trong bối cảnh đất nước đang khó khăn.
“Sinh thời Bác là người cực kỳ tiết kiệm, có chỉ đạo cụ thể về chống phô trương, lãng phí. Chúng ta phải học tập, làm theo Bác. Cần phải cân nhắc với kinh phí lớn như thế, kể cả kinh phí xã hội hóa chứ chưa nói lấy từ ngân sách, trong khi Sơn La là tỉnh nghèo” - ông Tân bày tỏ.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang. Ảnh: NG.VIÊN
Cũng theo ông Tân, một tác phẩm có ý nghĩa ở giá trị nghệ thuật chứ không phải ở giá trị khối lượng. “Chính nhà lãnh đạo với tầm nhìn, nhận thức văn hóa của mình sẽ có những ứng xử phù hợp, to nhỏ tùy từng người, tùy trái tim khối óc của mỗi con người nhận định, quyết định cái đó đúng đắn hay không là do nhân dân. Hãy nghĩ đến nhân dân, làm cái gì từ trái tim của mình để được nhân dân ủng hộ” - ông Tân nói.
Bình luận về việc nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La cho rằng việc xây dựng tượng đài là xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, ông Tân cho rằng việc xây dựng phải theo quy hoạch, không thể tùy tiện, nếu không thì sẽ không thể hiện được sự kính trọng mà còn phản tác dụng. “Cần cân nhắc trong bối cảnh tỉnh Sơn La năm nào Chính phủ cũng cấp tiền. Tỉnh cảm của Bác có thể để trong lòng, thể hiện bằng nhiều cách khác, lòng kính trọng là vô biên” - ông Tân bộc bạch.
Ông Tân cũng thông tin, trong quy hoạch tượng đài không đề cập đến kinh phí xây dựng, tuy nhiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ… đều khuyến cáo tiết kiệm tối đa, chống lãng phí trong bối cảnh hiện nay.
Theo dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đang được lấy ý kiến, một trong những quan điểm được thể hiện trong quy hoạch đó là không xây dựng tràn lan, mỗi công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là điểm nhấn văn hóa, có ý nghĩa và giá trị sâu sắc với địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
Trước đó, tại Hội thảo về “Tiêu chí, nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất từ nay đến hết năm 2030, các địa phương sẽ xây mới thêm khoảng 58 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước.