Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Luật sư viện dẫn trường hợp hoa hậu Phương Nga

Ngày 12/01/2018 12:11 PM (GMT+7)

Luật sư Nguyễn Văn Quynh đã viện dẫn quyền im lặng của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga trong phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Sáng 12/1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong buổi xét xử hôm qua, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo và đề nghị hình phạt cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) 13-14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt hai tội là chung thân.

Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Luật sư viện dẫn trường hợp hoa hậu Phương Nga - 1

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng, các luật sư đưa ra quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, bản luận tội hôm qua vẫn quy kết bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội là không phù hợp với quy định tại Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về suy đoán vô tội.

“Theo các quy định về suy đoán vô tội trong Bộ luật thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền…” - LS Quynh nói.

Luật sư cũng nhắc tới “quyền im lặng”, dẫn điều 61, 62 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can, bị cáo có quyền im lặng. Luật sư Quynh dẫn trường hợp hoa hậu Trương Hồ Phương Nga thực hiện quyền im lặng suốt một quá trình, ra tòa mới khai. "Bị cáo Nga tự bảo vệ quyền của mình khi tất cả các lời khai khác đều chống lại bị cáo", lời luật sư Quynh.

Luật sư cho rằng, nội dung bản luận tội cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội rất khiên cưỡng, không phù hợp với quy định có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, luật sư đề nghị VKS lưu tâm, xem xét lại, áp dụng những quy định có lợi nhất cho người phạm tội theo tinh thần Bộ luật Tố tụng hình sự mới.

Trước đó, trong phần luận tội chiều 11/1, VKS đã nhận định về bị cáo Trịnh Xuân Thanh như sau: Để có tiền chi tiêu cá nhân, Trịnh  Xuân Thanh cùng với Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hoà cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án Nhà máy  Quảng Trạch 1, rút số tiền hơn 13 tỉ đồng…

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo dùng sai mục đích tiền tạm ứng; không thừa nhận việc chỉ đạo đề ra chủ trương lập khống hồ sơ thi công để rút và chiếm đoạt tiền của PVC. Nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo khác tại phiên toà, lời khai của nhân chứng và chữ ký của chính bị cáo trên các tài liệu hợp thức hồ sơ khống có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của bị cáo.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, quá trình thực hiện dự án Thái Bình 2 đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng không đúng pháp luật, sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích. Bị cáo giữ vai trò chính, chỉ đạo các bị cáo khác lập hợp đồng khống chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng, trong đó bị cáo chiếm đoạt 4 tỉ đồng, cùng các bị cáo khác chịu trách nhiệm về khoản chi chung 1,5 tỉ đồng.

Bị cáo phạm hai tội đều thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn trong dư luận. Sau khi phạm tội lại bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, bị cáo luôn tỏ thái độ không thành khẩn, quanh co, chối tội. Tuy nhiên, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là gia đình đã tự nguyện nộp số tiền 2 tỉ đồng khắc phục hậu quả, tuy nhiên cần phải trừng trị nghiêm khắc mới bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung.

Theo Xuân Lực
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự